Sầu riêng được đánh giá là cây trồng tiềm năng của tỉnh Đắk Nông. Đến nay, tỉnh có tổng cộng khoảng 11.654ha sầu riêng. Diện tích trồng tập trung nhiều ở các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Song… Hiện nay nông dân đang có xu hướng dần chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh, hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp. Điều đó dẫn đến diện tích sầu riêng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2023 tăng 4.172ha so với năm 2022. Năm 2024 tăng khoảng 1.342ha so với năm 2023.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân diện tích sầu riêng tăng nhanh trong thời gian gần đây là do từ tháng 7/2022, sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Điều này đã tạo cơ hội kinh tế lớn cho sầu riêng Đắk Nông. Giá sầu riêng năm 2023 vừa qua luôn ở mức cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, nông dân đã chủ động chuyển sang trồng chuyên canh hoặc xen canh sầu riêng để nâng cao thu nhập.
Việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đã mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho người dân và ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông phát triển. Tuy nhiên, kéo theo đó là việc người dân mở rộng diện tích trồng ở các vùng đất đai, sinh thái không phù hợp. Chưa kể đến việc tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng… mang lại nhiều hệ lụy khó lường, thiếu tính bền vững.
Đáng lo ngại nhất là khả năng sầu riêng có nguy cơ đối mặt với việc cung vượt quá cầu trong những năm kế tiếp. Vấn đề kế tiếp là tại các vùng trồng không phù hợp, không có đủ khả năng đáp ứng được tưới tiêu sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng cũng như sản lượng sầu riêng của cả tỉnh.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Qua kiểm tra và đánh giá, một số địa phương xảy ra tình trạng cây giống và chất lượng trái sầu riêng không đạt. Vì vậy, cần kiểm soát việc phát triển vượt quy hoạch, định hướng phát triển bền vững để việc xuất khẩu sầu riêng đạt hiệu quả cao hơn, thị trường chấp nhận, người dân được hưởng lợi lâu dài. Đồng thời tránh hệ lụy được mùa rớt giá”.
Đắk Nông đã cấp 36 mã số vùng trồng sầu riêng với 851ha với tổng sản lượng ước đạt 14.868 tấn. Công tác hỗ trợ hướng dẫn các cơ sở đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đang được triển khai khẩn trương để kịp thời gửi Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã số.
Để hạn chế tình trạng mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt, đồng thời sản xuất một cách hiệu quả và bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân dân “Không nên trồng mới, tái canh, chuyển đổi các loại cây lâu năm chạy theo giá cả thị trường trong ngắn hạn. Đồng thời, việc phát triển cây sầu riêng cần theo hướng khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên và hạ tầng nông nghiệp” tại các địa phương. Qua đó, tập trung vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc gắn với phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững.
Ông Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: "Cần phải xây dựng một lộ trình để Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền để người dân thấy được đầu ra của sầu riêng ở đâu, như thế nào là hợp lý và giống cây trồng nào là phù hợp. Thay vì ngăn cản người dân trồng sầu riêng, chúng ta cần có chính sách quản lý và định hướng cho người dân để trồng cây gì, nuôi con gì cho tốt, cho hiệu quả và đúng theo lộ trình chung của cả nước"./.