Tại tỉnh Sơn La, mưa đã xuất hiện từ khoảng 23h tối 6/9. Bước đầu ghi nhận những thiệt hại như cây xanh gãy đổ; biển quảng cáo, chậu hoa, cây cảnh của một số cơ sở kinh doanh và hộ dân ở TP Sơn La bị đổ, vỡ, gió cuốn bay; một số nhà dân ở huyện Mai Sơn, Mường La thì bị tốc mái nhà ở; nhiều diện tích ngô và cây rau màu bị đổ rạp…
Đặc biệt, qua rà soát, Sơn La có 34 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Theo chỉ đạo của tỉnh, trong ngày hôm nay, các địa phương đã, đang khẩn trương tổ chức di dời các hộ này đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Ứng phó với bão số 3, tất cả các lực lượng 4 tại chỗ phải ứng trực 24/24; tiếp tục rà soát trên toàn tỉnh, có những điểm nào có nguy cơ sạt trượt cao thì vẫn phải tiếp tục rà soát để xử lý kịp thời cho người dân. Thứ nữa là người dân phải tuyệt đối chấp hành việc không ra sông, ra suối để bắt cá, vớt củi… và tuyệt đối không di chuyển qua các vùng có khả năng sạt trượt cao”.
Tại tỉnh Lai Châu, để giảm thiểu thiệt hại do hoàn lưu bão có thể gây ra, các ngành, địa phương đã thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra các hồ, đập, tuyến giao thông, triển khai các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Riêng ngành Giao thông – Vận tải đã tăng cường công tác tuần tra, giám sát việc thực hiện của các nhà thầu trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ; chủ động triển khai các phương án bảo đảm giao thông khi có sạt lở xảy ra.
Ông Hoàng Tiến Quý, Giám đốc Công ty Cổ phần bảo trì đường bộ I Lai Châu cho biết: “Trước tình hình phức tạp của cơn bão số 3, đơn vị chúng tôi đã chủ động bố trí phương tiện, máy móc, thiết bị để trực trên tuyến, đặc biệt là các điểm xung yếu. Còn đối với các vị trí đã xuất hiện sạt lở, chúng tôi đang tập trung khắc phục, hót dọn để đảm bảo an toàn giao thông”.
Trong 5 tỉnh Tây Bắc, đến thời điểm cuối ngày 7/9, Yên Bái là địa phương ghi nhận nhiều thiệt hại nhất do ảnh hưởng của bão số 3, với 108 nhà dân bị sập, tốc mái; gần 80ha ngô, lúa, cây lâm nghiệp ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn bị thiệt hại; trên 100 con gia cầm bị chết; 3 cột điện bị gẫy, đổ… Ước giá trị thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Hiện, các địa phương ở Yên Bái đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lũ.
Ông Thào Hoàng Long, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trạm Tấu, Yên Bái cho biết: “Huyện đã chỉ đạo nạo vét các rãnh dọc, rãnh ngang; kiểm tra các hàng cây dọc các tuyến đường, nếu thấy có nguy cơ sạt lở sẽ tiến hành chặt tỉa hoặc cắt bỏ để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với các tuyến đường đang triển khai thi công cũng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đường thi công, có trách nhiệm phối hợp khi có lũ lụt xảy ra”.
Để sẵn sàng ứng phó khi mưa lớn xảy ra, tại các địa bàn, tỉnh Lào Cai cũng đã chủ động tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó trực tiếp tại cơ sở; tập trung huy động nhân lực hỗ trợ nhân dân gia cố nhà cửa, di dời tài sản, thu hoạch lúa, hoa màu đã tới vụ thu; sơ tán các hộ trong vùng nguy hiểm ra nơi an toàn.
Với đặc thù là địa bàn du lịch, Lào Cai cũng ra văn bản chỉ đạo rà soát an toàn, nhất là tại các cơ sở homestay và các điểm lưu trú ở khu vực núi cao nguy cơ xảy ra sạt lở; khuyến cáo, hướng dẫn an toàn cho du khách; công khai đường dây nóng để hỗ trợ kịp thời, hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra./.