Vừa qua (ngày 04/9), Thông tin từ Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, địa phương đang củng cố 60.000ha thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tạo tiền đề để thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Theo đó, Long An đã cho triển khai dự án tại 7 huyện gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Một tin vui đến với người trồng lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh Long An là hiện tại đã có doanh nghiệp cam kết bao tiêu 50% diện tích trồng lúa chất lượng cao ở Long An. Cụ thể, hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết bao tiêu khoảng 30.000ha lúa trong khu vực.
Được biết, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với hơn 20% thị phần ngành thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, tập đoàn này cũng là nhà phân phối hạt giống lớn thứ hai tại Việt Nam, tập trung phân phối lúa giống, giống bắp lai và các giống rau dưa khác.
Kể từ năm 2010, Lộc Trời mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực chế biến và kinh doanh gạo, trở thành nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam theo mô hình liên kết dọc. Lộc Trời có năng lực quản lý hệ thống phân phối, quản lý tài chính, marketing phù hợp với mục tiêu, chiến lược kinh doanh cũng như thích ứng với điều kiện kinh doanh.
Từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp Long An tiếp tục củng cố diện tích Dự án VnSAT. Và đến giai đoạn năm 2026-2030, địa phương xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT. Đồng thời dự kiến thực hiện mở rộng thêm 65.000ha để hướng tới mục tiêu 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc tập trung các mục tiêu về giảm phát thải, thực hiện sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, Long An cũng xác định những hướng đi bền vững hơn cho nông hộ, hợp tác xã... Để làm được điều này, tỉnh Long An phải tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đầu tư bài bản. Đồng thời thực hiện liên kết chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho nông hộ.
Hiện nay, nông dân áp dụng tiêu chuẩn 1P5G, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống nguyên chủng và xác nhận, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất… đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí, tạo nền để thực hiện Đề án, là lợi thế để tỉnh tiếp tục triển khai.
"Địa phương đã mời các giám đốc HTX tham gia trong vùng dự án để tập huấn, lên bản đồ quản lý về phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon... Chúng tôi cũng có kế hoạch mời Cục trồng trọt về hỗ trợ địa phương triển khai đến từng xã, huyện tham gia dự án. Qua đó giúp bà con nắm được chủ trương và cùng tham gia", ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, cho biết thêm./.