Hiệp hội Nhựa TPHCM nỗ lực kiến tạo ngành nhựa xanh hướng tới tương lai bền vững

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu dùng xanh, ngành nhựa đang phải đối diện với những áp lực lớn trong việc chuyển đổi xanh và nâng cao tính bền vững. Hiệp hội Nhựa TPHCM (VSPA) với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đang nỗ lực kiến tạo một môi trường phát triển bền vững cho ngành nhựa, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường.

Ngày 5/9, Hiệp hội Nhựa TP.HCM (VSPA) tổ chức sơ kết kết quả hoạt động trong 8 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch cho giai đoạn cuối năm 2024. Tại buổi báo cáo, ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch VSPA, cho biết Hiệp hội đã tập trung kiện toàn tổ chức, bổ sung nhân sự cho Văn phòng hội; thành lập thêm các ban chuyên môn và câu lạc bộ để thu hút thêm doanh nghiệp và cá nhân tham gia.

Nổi bật, VSPA đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới; hai chi hội liên kết tại Long An và Bến Tre; cùng các ban chuyên môn như Xã hội - Từ thiện, Chuyển đổi Số và phát triển Bền vững, Truyền thông - Sự kiện và CLB Báo chí và Truyền thông Xanh, Ban Nghiên cứu Khoa học…

Sự mở rộng này không chỉ giúp tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động của Hiệp hội, mà còn tạo điều kiện cho VSPA xây dựng những chương trình hỗ trợ hội viên trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu và thúc đẩy phát triển bền vững.

ct-hiep-hoi-nhua-1725601659.jpg
Ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM (VSPA), báo cáo các hoạt động 8 tháng đầu năm 2024 của hiệp hội.

Trong thời gian qua, VSPA đã tập trung xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể của các ban chức năng nhằm hỗ trợ thành viên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, giúp nâng cao khả năng hội nhập kinh tế thế giới và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Hiệp hội cũng thực hiện các chương trình liên quan đến phát triển bền vững đối với ngành nhựa như kiểm kê khí nhà kính, thúc đẩy tuyên truyền phân loại rác tại nguồn để thu hồi rác thải nhựa tái chế triệt để, bảo vệ môi trường và thiên nhiên trên địa bàn TP.HCM theo hướng phát triển thành phố thông minh và bền vững.

Kết nối, hợp tác vì mục tiêu chung

VSPA đã chủ động tham gia nhiều chương trình hội thảo, có các báo cáo và phát biểu tại các cuộc hội thảo quốc gia, lãnh sự quán một số nước trên địa bàn TP.HCM; trực tiếp hỗ trợ và tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tại một số địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nam Bộ…

Đặc biệt, VSPA tham gia vào dự án nghiên cứu thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nền kinh tế tuần hoàn; xây dựng lộ trình buộc tăng tỉ lệ tái chế trong bao bì với một số doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Hiệp hội cũng đã ký hợp tác toàn diện với Báo Gia đình Việt Nam và một số tạp chí để cùng xây dựng các chương trình truyền thông hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp thành viên, tuyên truyền vận động sử dụng các sản phẩm trong nước sản xuất, nâng cao sự hiểu biết về vai trò ngành nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn, ý thức bảo vệ môi trường khi không vứt rác thải nhựa ra môi trường mà thu gom để đưa vào tái sử dụng, tái chế nhiều lần, tránh hiểm họa ô nhiễm vi hạt nhựa và rác thải nhựa đại dương…

Thách thức và cơ hội trong giai đoạn tới

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, VSPA vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Tình hình kinh tế thế giới bất ổn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do chiến tranh và chi phí vận tải tăng cao đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong ngành nhựa. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thay đổi sau đại dịch Covid-19 và các chính sách bảo vệ môi trường chặt chẽ từ các thị trường quốc tế cũng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, VSPA nhận thấy nhiều cơ hội phát triển mới. Các yêu cầu từ Chính phủ về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành nhựa tham gia vào các chương trình sản xuất phát thải thấp, thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng thành phố bền vững. Những chính sách phát triển TP.HCM thành một thành phố đáng sống và các giải pháp hỗ trợ cụ thể của chính quyền thành phố cũng hứa hẹn tạo động lực lớn cho ngành nhựa trong thời gian tới.

dai-bieu-chup-hinh-luu-niem-1725601742.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Trong giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025, VSPA sẽ tiếp tục củng cố các đơn vị và hội viên hiện có, đồng thời phát triển kết nạp thêm hội viên mới, là các đơn vị và doanh nghiệp ở các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp… của thành phố và khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Bên cạnh đó VSPA sẽ tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh TP.HCM 2025, vinh danh các doanh nghiệp bền vững, phối hợp triển khai Triển lãm Quốc tế ngành nhựa, và tham gia ngôi nhà ngành nhựa TP.HCM. Ngoài ra, VSPA còn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học, truyền thông về giảm phát thải, tái chế, và chính sách thuế liên quan, đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về môi trường và nếp sống văn minh đô thị. VSPA cũng sẽ phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam để triển khai hai chương trình lớn là Sài Gòn Sạch và xanh và Vì biển đảo xanh Tổ quốc, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và chống ô nhiễm rác thải nhựa./.

L.T