Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành nghề

Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, việc nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh cũng là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành nghề.
hinh-1-1693974451.jpg
Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi xanh là một quá trình lâu dài và tốn kém, đòi hỏi nhiều nguồn lực, cả về nhân lực được đào tạo, tài chính và công nghệ. Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong việc thu hút các dự án thương mại xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi kinh tế xanh, phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững: các xu hướng đang nổi lên trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại Thụy Sĩ. Tiếp đó, các diễn giả từ các tổ chức quốc tế tại Geneva chia sẻ với các đại biểu tham dự hội thảo về các vấn đề đang nổi lên và những kinh nghiệm, thực tiễn tốt về chuyển đổi xanh, đồng thời trao đổi về các cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Theo bà Luisa Bernal, chuyên gia tài chính và phát triển bền vững chia sẻ tầm nhìn về việc xây dựng một hệ thống tài chính quốc tế bền vững nhằm hỗ trợ tốt hơn cho chuyển đổi xanh, trong đó có sáng kiến mới của UNDP đang được thực hiện tại Việt Nam nhằm bảo hiểm cho các tài nguyên thiên nhiên như nhằm bảo tồn các rạn san hô, trước các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi đó, bà Anja von der Ropp, chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giới thiệu về việc WIPO chia sẻ thông tin về công nghệ xanh, khuyến khích các công ty sở hữu công nghệ xanh chia sẻ công nghệ, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Thương mại và đầu tư là công cụ có thể đóng góp cho phát triển nền kinh tế toàn cầu xanh hơn nếu được quản lý tốt. Ngoài ra, có lĩnh vực cạnh tranh mới về chuyển đổi xanh đang nổi lên như phi carbon hóa, thương mại tuần hoàn, chống rác thải nhựa, tính bền vững của chuỗi cung ứng… đòi hỏi các quốc gia phải nắm bắt kịp thời để phục vụ quá trình chuyển đổi xanh”, Ông Soumyajit Karl, chuyên gia từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chia sẻ.

hinh-2-1693974511.jpg
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và nội thức toàn cầu (GIBC).

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), thị trường tiêu dùng đã thay đổi quan điểm với việc đòi hỏi tính bền vững trong các sản phẩm nội thất. Không chỉ là một xu hướng, tính bền vững ngày nay trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường tiêu dùng. Điều này đặt áp lực và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nội thất Việt Nam.

Ông Trai đã nhấn mạnh về việc áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Cơ chế này yêu cầu hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu phải chịu thêm chi phí nếu không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải carbon. Trong số hơn 1.900 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, có 62 doanh nghiệp thuộc ngành gỗ tại Việt Nam.

Với số lượng lớn trữ lượng rừng trồng, ngành gỗ Việt Nam có cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh nếu chuyển đổi mô hình sản xuất sang hướng bền vững. Việc xây dựng và tổ chức kết nối tốt trong ngành cũng sẽ giúp các doanh nghiệp nội thất tận dụng cơ hội trị giá 200 tỉ USD từ thị trường tín chỉ carbon.

Cảnh báo từ bài học của ngành dệt may Bangladesh: “Bài học cụ thể từ ngành dệt may của Bangladesh là điều cần cảnh giác. Ngành dệt may nước này đã đạt được thành công đáng kể trong việc chuyển đổi sang kinh tế xanh, khiến ngành dệt may của Việt Nam phải đối mặt với thách thức và mất đi một số đơn hàng. Điều này cho thấy tính quan trọng của việc chuẩn bị quyết liệt và hành động kịp thời từ các doanh nghiệp Việt.”

"Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang có cơ hội lớn, nhưng cũng sẽ là rủi ro nếu doanh nghiệp trong nước không có chiến lược để duy trì thị phần tại các thị trường gắn tầm nhìn Việt Nam là trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững", ông Trai nhấn mạnh.

Đối mặt với những thay đổi và yêu cầu mới trong thị trường tiêu dùng, việc đầu tư vào tính bền vững trong sản phẩm nội thất không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững và tiềm năng phát triển dài hạn.

Tính bền vững và kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng quan trọng và không thể chối cãi trên thị trường tiêu dùng toàn cầu. Theo UNDP, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại lên tới 4,5 nghìn tỉ USD và đóng góp quan trọng vào việc thực hiện 10/17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Điều này đồng nghĩa rằng phát triển bền vững không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn tạo ra cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp.

Quốc Cường