Tại iễn đàn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Tư duy và hạnh động mới”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, ….
Do đó, theo ông Hoàng Quang Phòng, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiêp vừa và nhỏ (DNVVN) đã quan tâm đến Chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp thực hiện Chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong Chuyển đổi số. Chiều sâu của chuyển đổi số là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty CP MISA nhận định, giai đoạn vừa qua là một giai đoạn tốt trong việc thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng đã thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các Bộ ban ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, VCCI, các hiệp hội đã tích cực đẩy mạnh các nội dung truyền thông về chuyển đổi số đến các doanh nghiệp. Đặc biệt, cẩm nang chuyển đổi số không chỉ có giá trị cho các doanh nghiệp cá nhân mà còn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có khung hiểu chung và phấn đấu chung cho mục tiêu chuyển đổi số.
Với giai đoạn hành động là giai đoạn tiếp theo, ông Quang chia sẻ, kinh nghiệm chuyển đổi số cho DNVVN rằng cần chú ý đến 3 tiêu chí: dễ tiếp cận; rẻ và nhanh nhìn thấy kết quả. Bên cạnh đó, theo ông Quang, cơ quan Nhà nước và các hiệp hội đã tiếp cận 2 góc độ: truyền thông và hỗ trợ về mặt kinh phí là chất xúc tác. Cụ thể, đã có tài liệu chi tiết về hành trình chuyển đổi số, lộ trình đánh giá thực trạng chuyển đổi số…đây đều là những tài liệu bổ ích cung cấp cho các DNVVN.
Với khía cạnh hỗ trợ và kêu gọi hỗ trợ ngân sách, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tập hợp các nhà cung cấp và có cam kết hỗ trợ. Sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ban ngành cũng rất tích cực cho các đơn vị cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp. Về phía nhà cung cấp dịch vụ, khi xác định cung cấp giải pháp cho các DNVVN , cần xác định thêm 3 nỗi đau. Thứ nhất là các DNVVN mong muốn chuyển đổi số một cách tổng thể; thứ hai là làm sao để kết nối từng ứng dụng chuyển đổi số thành quy trình khép kín; thứ 3 là các phần mềm dữ liệu đã cũ không còn phù hợp khi doanh nghiệp chuyển đổi quy mô doanh nghiệp.
Do đó, khi các nhà cung cấp giải pháp, đặc biệt là các startup chỉ cung cấp 1 module cần xác định với các DNVVN thì cần xác định cung cấp trụ cột nào và đảm bảo API kết nối với các ứng dụng khác. Đồng thời, một số yếu tố khác cũng cần được chú trọng như chi phí dể chuyển đổi số. Quan trọng nhất là hiệu quả, kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc chuyển đổi tư duy của cán bộ trong doanh nghiệp. Ông Quang cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chương trình tập huấn triển khai, doanh nghiệp cần thành lập tổ tiên phòng chuyển đổi nhận thức để tiếp tục truyền thông tuyên truyền thực hiện chuyển đổi số.
Với các DNVVN, ông Quang cho rằng cần chủ động tiếp cận thang điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông; dựa vào các khung chuyển đổi số để chọn xem doanh nghiệp muốn làm gì; đồng thời lựa chọn các nhà cung cấp uy tín. Cuối cùng là tâm lý, tư duy và hành động có thể ứng dụng từng phần nhỏ. Hành động nhanh thì hiệu quả nhanh chóng đến./.