Chuyển đối số Quốc gia: Ngành vật liệu xây dựng không thể ngoài “cuộc chơi”

Mới đây, hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành xây dựng” đã diễn ra tại Grand Palace (số 18 Cộng Hòa, Phường 14, Q.Tân Bình, TP.HCM). Với mong muốn sớm “bắt nhịp” cùng chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, trong thời gian qua, các hiệp hội, công ty ngành xây dựng đã khởi động nhiều dự án, nhiều kế hoạch thiết thực. Qua đó cho thấy, ngành vật liệu xây dựng không thể ngoài “cuộc chơi”.

Ngành vật liệu xây dựng không thể “ngoài cuộc”

Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia được Thủ tướng chính phủ ký vào 22/04/2022 nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực tiến tới toàn cầu.

anh2-1-1671272134.jpg
Lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số

Theo đó, ngành xây dựng Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Với mong muốn sớm “bắt nhịp” kịp cùng chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, các hiệp hội, công ty ngành xây dựng cũng khởi động nhiều dự án, nhiều kế hoạch thiết thực.

Bà Đinh Thị Mỹ Bình – Giám đốc Công ty Cổ phần Valenta, Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết, chuyển đổi số trong ngành xây dựng là thuật ngữ khá mới mẻ. “Có thể nhiều doanh nghiệp sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn và không biết sẽ bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Chính vì vậy chúng tôi tổ chức Hội thảo “Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành xây dựng” với mong muốn các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ những kiến thức để các doanh nghiệp ứng dụng lý thuyết và thực tế, thực hành tốt hơn”.

Hội thảo diễn ra với sự xuất hiện của nhiều chuyên gia đầu ngành am tường về công nghệ, có kinh nghiệm thực tế trong chuyển đổi số đến chia sẻ như: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang - chuyên ngành xây dựng kỹ thuật, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM làm chủ tọa hội thảo.

Ông Danny Ngô - Giám đốc giải pháp số của Công ty INGO Digital Transformation. Được biết, ông là chuyên gia tư vấn chuyển đổi số đã từng hợp tác cùng các dự án chuyển đổi số của Singapore, Capital Lands, IPPGroup, AMA USA. Ông Danny Ngô cũng hợp tác với Fintech Academy của Singapore và các trường đại học của Singapore để mang những khóa học, phương pháp xây dựng năng lực, kỹ năng làm việc, khả năng tư duy số, giúp xây dựng đội ngũ lãnh đạo số về Việt Nam.

Với hơn 23 năm kinh nghiệm về tư vấn triển khai giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp, 8 năm kinh nghiệm về áp dụng IT hiệu quả trong các mô hình kinh doanh, ông từng đảm nhận các vị trí quan trọng.

Bên cạnh đó, ông Vũ Việt Chiến - Kỹ sư Xây dựng chuyên ngành thiết kế xây dựng giàn khoan dầu khí khóa đầu tiên của Việt Nam. Ông Chiến đã học và tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội từ những năm cuối thập niên 80 khi mà ngành Công nghệ Thông tin còn ở giai đoạn sơ khai. Với sự nỗ lực tự học hỏi và định hướng phát triển từ thực tiễn, được biết đến nay ông đã tự chủ sở hữu được các kinh nghiệm cũng như các kỷ lục rất ấn tượng như: Trong lĩnh vực xây dựng ông là người Việt Nam duy nhất được cấp chứng chỉ quốc tế về phân tích lại giàn khoan để mua bảo hiểm quốc tế; Trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt nhiều nhất giải thưởng khoa học công nghệ về lĩnh vực công nghệ thông tin của quốc gia và huy chương vàng quốc tế; Xác lập được kỷ lục là Công nghệ duy nhất chống được giả sản phẩm; Người tiên phong trong xây dựng hệ thống thương mại điện tử (từ những năm 2000).

Ông Trần Ngọc Anh - nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Bất động sản MGi, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Giám Đốc Sales & Marketing Việt Nam. Ông là người đã từng công tác trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ, giáo dục, bất động sản, dịch vụ và là tác giả cuốn sách “ASP và kỹ thuật lập trình Web” xuất bản năm 2002. Trải qua hơn 20 năm chinh chiến trên thương trường, ông Trần Ngọc Anh đã tạo dựng một hành trang vững vàng trước khi sáng lập hệ sinh thái MGi #1 Realtor Platform – Nhằm giải quyết vấn đề phân phối của thị trường bất động sản thông qua mạng lưới môi giới trên toàn Việt Nam và thế giới.

Về ông Phan Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Phan Khang, một trong những đơn vị dẫn đầu về việc triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử ngành hàng “Vật liệu xây dựng” giúp khách hàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất với thời gian ngắn nhất và với mức chi phí thấp nhất. Đặc biệt, ông còn là Tiktoker mảng Xây dựng và VLXD với hơn trăm ngàn người theo dõi và nhiều video triệu view.

Đến với hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về: Câu chuyện chuyển đổi số; Ứng dụng công nghệ số để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất; Chuyển đổi số trong thiết kế kiến trúc nội thất; Chuyển đổi số và chiến lược của doanh nghiệp; Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành xây dựng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và quản lý chuỗi cung ứng.

Lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số

Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng xác định rõ quan điểm: Chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và DN trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.

anh1-1671272135.jpg
Bà Đinh Thị Mỹ Bình – Giám đốc Công ty Cổ phần Valenta, Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết, chuyển đổi số trong ngành xây dựng

Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng, phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành Xây dựng.

Kế hoạch xác định trung tâm của chuyển đổi số là phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số, do vậy, thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Quốc Cường