“Xanh hóa” ngành du lịch từ tài nguyên văn hóa

Với nguồn tài nguyên văn hóa đậm đà bản sắc, nước ta có tiềm năng để đẩy mạnh “xanh hóa” ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thân thiện.
a4-1693975479.jpg
Với xu hướng “sống xanh” trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngày càng nhiều người muốn được trở về với cuộc sống ít ồn ào. 

Với xu hướng “sống xanh” trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngày càng nhiều người muốn được trở về với cuộc sống ít xô bồ, náo nhiệt; khách du lịch cũng muốn tìm đến những địa điểm thân thiện với môi trường, được nghỉ dưỡng và bảo đảm sức khỏe, tinh thần. Với nguồn tài nguyên văn hóa đậm đà bản sắc, nước ta có tiềm năng để đẩy mạnh “xanh hóa” ngành du lịch, đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thân thiện.

“Mỏ vàng” cho du lịch xanh

Trong tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch Văn hóa”. Điều đó cho thấy du lịch văn hóa (DLVH) đang ngày càng được quan tâm và trở thành thế mạnh của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc khai thác thế mạnh văn hóa để phát triển du lịch xanh là một xu hướng tất yếu.

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Du lịch – Trường Đại học Phenikaa (thành viên của Tập đoàn Công nghiệp và công nghệ Phenikaa), đẩy mạnh DLVH sẽ là giải pháp nòng cốt, trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bởi DLVH luôn là xu hướng đi đầu của du lịch toàn cầu; nhất là sau dịch Covid - 19, nhu cầu du khách tương tác với cộng đồng địa phương, khám phá văn hóa và sản phẩm bản địa ngày càng gia tăng.

a1-1693975460.jpeg
Hang Sơn Đoòng, biểu tượng thiên nhiên kỳ vỹ của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Sự kỳ vọng vào phát triển DLVH không phải không có cơ sở bởi Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú. Nước ta có thiên nhiên hùng vĩ, đường bờ biển trải dài hơn 3,2 nghìn km với nhiều bãi biển đẹp; nhiều hang động, đặc biệt Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - hang động lớn nhất thế giới và 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ với 1 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới; 3 di sản thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc...

Đây là “mỏ vàng” của ngành du lịch Việt Nam khi mà du lịch tìm hiểu văn hóa bản xứ đang được xác định là xu hướng được yêu thích của du khách quốc tế. Không riêng Việt Nam mà để thu hút khách DLVH, nhiều quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (show biểu diễn thực cảnh) để kể câu chuyện lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương. Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, trước đại dịch Covid - 19, DLVH đóng góp 37% trong doanh thu du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.

a3-1693975581.jpg
Một góc điểm du lịch cộng đồng Bản Lác – Mai Châu – Hòa Bình

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Tại Diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, dù có nhiều tiềm năng để phát triển DLVH nhưng hiện “mỏ vàng” này vẫn chưa được khai thác đúng giá trị. Mặc dù nhiều sản phẩm DLVH của Việt Nam đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho ngành kinh tế xanh nhưng hạn chế lớn nhất là sản phẩm ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế;... Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác xứng tầm để trở thành sản phẩm du lịch.

Ông Tuấn cho rằng, muốn phát triển DLVH, trước hết cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa. Cùng với đó, cần định hình và xây dựng được thương hiệu của mỗi địa phương dựa trên các nền tảng văn hóa vốn có nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, của khách du lịch trong và ngoài nước.

a5-1693975614.jpg
Nhiều sản phẩm DLVH của Việt Nam đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho ngành kinh tế xanh.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Du lịch – Trường Đại học Phenikaa, nhận định, việc phát triển DLVH ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Các sản phẩm DLVH hiện nay còn có sự trùng lặp ở các địa phương, vùng miền. Do đó, cần xây dựng sản phẩm DLVH đặc thù dựa trên giá trị văn hoá cốt lõi của địa phương đó. Việc xây dựng các mô hình DLVH, du lịch cộng đồng ở địa phương cần có những nghiên cứu phù hợp, coi trọng giá trị văn hoá truyền thống, mang lại sinh kế cho người dân địa phương.

a2-1693975667.jpg
Hang Sơn Đoòng – biểu tượng thiên nhiên kỳ vỹ của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Những khuyến nghị của các chuyên gia cần được các Bộ ngành, địa phương quan tâm đúng mức để phát huy tiềm năng về DLVH, từ đó thúc đẩy ngành kinh tế xanh phát triển bền vững. Đầy cũng là nền tảng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch; hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là “phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo tồn, phát huy tối ưu các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”.n

Thảo Ngọc