Kinh tế tư nhân Thanh Hóa: Động lực và thách thức

Kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Tại Thanh Hóa, với những nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp cùng sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, tạo nên bức tranh kinh tế sôi động và đầy tiềm năng.
kinh-te-tu-nha-1-1744211333.png
Kinh tế tư nhân Thanh Hóa  phát triển đột phá, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng chung của tỉnh.

Điểm sáng thành tựu, động lực cho phát triển

Theo số liệu thống kê giai đoạn từ năm 2017 đến nay, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực và mạnh mẽ. Trong đó, nổi bật là sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với gần 29.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tổng vốn điều lệ đăng ký đạt xấp xỉ 256 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, vốn điều lệ bình quân trên mỗi doanh nghiệp tăng lên đáng kể, phản ánh sự cải thiện rõ nét về tiềm lực tài chính của khu vực kinh tế tư nhân.

Không chỉ tăng về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực này cũng có sự cải thiện rõ rệt. Hàng nghìn lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đã được tổ chức nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và trình độ tay nghề cho người lao động. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tạo đà đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ năm 2017 đến nay, hàng chục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai với sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, cho thấy sự đồng hành mạnh mẽ từ phía chính quyền.

kinh-te-tu-nha-2-1744211456.jpg
Giai đoạn 2017–2024, kinh tế tư nhân đóng góp bình quân gần 59% vào GRDP của tỉnh.

Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất đáng ghi nhận. Giai đoạn 2017–2024, khu vực này đóng góp bình quân gần 59% vào GRDP của tỉnh – một tỷ lệ quan trọng, phản ánh vai trò chủ lực trong tăng trưởng. Riêng năm 2024, kinh tế tư nhân đóng góp gần 13 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm hơn 36% tổng thu nội địa và gấp 2,4 lần so với năm 2017, khẳng định vai trò ngày càng lớn trong tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Về thu hút vốn đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân cũng thể hiện sức hút rõ nét. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2017–2024 ước đạt hơn 611 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực tư nhân chiếm trên 60%. Điều này cho thấy niềm tin ngày càng lớn của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Thanh Hóa, đồng thời khẳng định khả năng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội của doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn đóng vai trò then chốt trong giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động. Khu vực này đã tạo ra hàng triệu việc làm ổn định, góp phần quan trọng vào an sinh xã hội. Thu nhập bình quân của người lao động cũng có xu hướng tăng đều qua các năm, cho thấy đời sống và phúc lợi của người dân được cải thiện đáng kể.

kinh-te-tu-nha-2-1744211517.png
Sinh viên học thực hành tại Trường Cao đẳng Nghề Thanh Hóa, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp tư nhân.

Một điểm sáng khác là sự hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, TH true Milk, các công ty nông sản, chế biến mía đường, lúa gạo, sắn, khoai tây, thủy sản... đã chủ động xây dựng mối liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ. Những liên kết này không chỉ giúp ổn định đầu ra, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho cả ngành nông nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân địa phương.

Vượt thách thức, vươn tầm phát triển

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng tự hào, sự phát triển của kinh tế tư nhân Thanh Hóa vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được nhìn nhận và giải quyết. Đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp tư nhân còn chưa cao, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Đặc biệt, quy mô của phần lớn các chủ thể kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn là nhỏ và siêu nhỏ. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn lớn để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ và tham gia vào các chuỗi giá trị lớn. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, còn chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả.

Để kinh tế tư nhân Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tín dụng và các nguồn lực khác.

kinh-te-tu-nha-3-1744211683.png
Hoạt động xúc tiến đầu tư góp phần khơi thông nguồn vốn vào khu vực kinh tế tư nhân.

Tiến sĩ Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình, đã nhấn mạnh: “Để phát triển kinh tế tư nhân, cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn”.

Bên cạnh đó, cần có các chương trình hỗ trợ đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khuyến khích họ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia vào các chuỗi giá trị. Việc thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và sức mạnh tổng hợp của khu vực kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, việc tiếp tục đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, cần có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế của tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững của Thanh Hóa trong tương lai.

Với những thành quả đã đạt được và sự quyết tâm của chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế tư nhân Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp tục có những bước phát triển đột phá, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự thịnh vượng chung của tỉnh./.

Hà Khải