Điểm nhấn du lịch ở Bản Văn

Đã có thời điểm “làng làng làm du lịch, nhà nhà mở dịch vụ du lịch”, nhưng du lịch cộng đồng sẽ không bị “bão hòa” nếu đi trúng hướng và khơi dậy đúng giá trị.
a6-1693889183.jpg
Bảo tàng Thái Mai Châu là điểm nhấn trong mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Văn.

Du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch được yêu thích nhất của du khách khi đến với các tỉnh miền núi phía Bắc. Cũng đã có thời điểm “làng làng làm du lịch, nhà nhà mở dịch vụ du lịch”, nhưng du lịch cộng đồng sẽ không bị “bão hòa”, nếu đi trúng hướng và khơi dậy đúng giá trị. Trong nỗ lực chung đó, chị Nguyễn Thị Tộ Xuân, quê “áo lụa Hà Đông”, đã xây dựng bảo tàng lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Thái ở Bản Văn, với trăn trở tìm một hướng phát triển bền vững cho du lịch cộng đồng của tỉnh Hòa Bình nói riêng, của cả nước nói chung.

Điểm nhấn ở Bản Văn

Theo các chuyên gia trong ngành, du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bắt đầu từ vùng người Thái ở Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Từ điểm khởi đầu đó, đến nay, du lịch cộng đồng đã phát triển, trở thành một trong những loại hình du lịch phổ biến ở các tỉnh miền núi, vùng cao.

Ngay tại Mai Châu, cách Bản Lác không xa, Bản Văn, thuộc thị trấn Mai Châu, cũng là điểm du lịch cộng đồng thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh cũng như khách quốc tế. Bản Văn là nơi sinh sống của 96 hộ, 93% là đồng bào dân tộc Thái. Nông, lâm nghiệp là lĩnh vực sản xuất chính của người dân Bản Văn, nhưng cả bản có chưa đầy 30ha đất trồng lúa một vụ, năng suất cũng không cao. Chính du lịch cộng đồng đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân nơi đây.

Anh Lò Văn Phúc, Trưởng Bản Văn cho biết: “Người dân trong bản đã biết làm du lịch từ nhiều năm nay. Tuy không nổi tiếng như Bản Lác bên xã Chiềng Châu, nhưng nhờ du lịch mà đời sống của bà con cũng khấm khá hơn”.

a1-1693889264.jpg
Trưởng Bản Văn Lò Văn Phúc trực tiếp thuyết minh hiện vật tại Bảo tàng Thái Mai Châu.

Theo anh Phúc, “đón đầu” cho du lịch Bản Văn là Bảo tàng Thái Mai Châu – một kiến trúc nhà sàn truyền thống kết hợp với khuôn viên “chek in” hiện đại, độc đáo nằm ngay đầu con đường từ trung tâm thị trấn dẫn vào bản. Chủ nhân của bảo tàng là chị Nguyễn Thị Tô Xuân – quê ở Hà Đông (TP. Hà Nội). Chính bảo tàng này là điểm nhấn, đem lại sự mới mẻ nhưng rất sâu lắng cho điểm du lịch Bản Văn.

Tại Bảo tàng Thái Mai Châu bên cạnh bộ sách chữ Thái cổ, bộ rìu đá, bộ dụng cụ của thầy mo, cồng chiêng, khèn bè,… còn có bộ sưu tập tiền giấy từ những năm 1914 đến nay, được đồng bào Thái sử dụng. Cùng với đó là bộ tiền xu, cái có tuổi đời lâu nhất cũng từ năm 1904,… Những hiện vật này là những dấu mốc cho một quá trình lưu hành tiền tệ của đồng bào dân tộc Thái trên dải đất hình chữ S.

Chia sẻ về bảo tàng, chị Xuân cho hay, cách đây hơn 8 năm, hữu duyên nên chị nhận chuyển nhượng lại số hiện vật từ một người bạn kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng tại Bản Văn. Lúc đó cũng có nhiều cá nhân, tổ chức muốn mua lại lắm, cả Đài Truyền hình bên Thái Lan cũng muốn được sở hữu.

“Có lẽ hợp duyên, rồi quý cái tâm huyết của mình nên bạn chị quyết định giao khối tài sản đó để chị bảo quản, phát huy giá trị. Vì thế, bảo tàng này tuy chị sở hữu, nhưng là tài sản của đồng bào dân tộc Thái, rộng hơn là của cả đất nước”, chị Xuân trải lòng.

a10-1693889303.jpg
Chị Nguyễn Thị Tô Xuân giới thiệu các hiện vật của đồng bào Thái được trưng bày tại bảo tàng.

Chị Xuân và những người chung chí hướng cũng cất công sưu tầm để bồi đắp cho khối tài sản của bảo tàng. Hiện bảo tàng của chị Xuân trưng bày hàng trăm hiện vật, gần đây nhất thì cũng có hàng chục năm tuổi, hoặc có niên đại hàng trăm năm; thậm chí có bộ rìu đá của đồng bào Thái cũng xấp xỉ ngàn năm tuổi… Trong đó có bộ sách chữ Thái cổ, mà như chị bảo, có một du khách người Nga đã sang nhiều lần, nài nỉ chị cho ghi chép, nghiên cứu.

Đi tìm giá trị đích thực

Chị Xuân chia sẻ, những hiện vật tại bảo tàng giúp du khách hiểu hơn về đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như những nét văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái xưa và nay. Bảo tàng giúp du khách về Bản Văn hình dung được phong tục, tập quán của người dân địa phương, từ đó có thêm những trải nghiệm thú vị. Bảo tàng là “cái cột, cái rường” để phát triển mô hình du lịch cộng đồng mà chị và các cộng sự đang triển khai ở Bản Văn. Cùng với nét nguyên sơ của một bản thuần chất thì đây sẽ là hồn cốt của du lịch cộng đồng ở Bản Văn.

a8-1693889370.jpg
Chị Nguyễn Thị Tô Xuân bên bộ sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng Thái Mai Châu.

Chị nói, khi khởi sự kinh doanh mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Văn, chị muốn trả lại đúng nghĩa của từ “cộng đồng” trong khai thác tài nguyên giá trị của địa phương. Bởi, đã đi tham quan rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chị thấy có điểm chung là thiếu sự kết nối. Ngay trong một điểm du lịch cộng đồng cũng có tình trạng “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”; nhà nhiều khách thì sống khỏe, nhà ít khách thì tự chịu, không có sự chia sẻ. Trong một điểm mà còn như vậy thì giữa các điểm du lịch trên cùng một địa bàn, hoặc liên vùng đều muốn “đi một mình để đi cho nhanh”.

“Ở một số điểm du lịch cộng đồng, các diễn viên xòe, múa cứ phải chạy sô cho các đoàn khách tham quan, không còn thời gian trau chuốt điệu vũ, dần dần sẽ dẫn tới mất chuẩn. Để phát triển bền vững, đi xa hơn thì du lịch Bản Văn phải hướng đến cộng đồng, cộng đồng cùng làm và cộng đồng cùng hưởng lợi”, chị Xuân tâm sự

a4-1693889412.jpg
Bảo tàng Thái Mai Châu hiện lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị.

Chị Xuân bảo, để “dắt tay nhau đi xa hơn”, chị và các cộng sự đã xây dựng đề án thành lập Hợp tác xã. Có Hợp tác xã làm nòng cốt thì mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Văn sẽ hoạt động chuyên nghiệp; du lịch cộng đồng sẽ phát triển nếu có sự chung tay cùng làm, cùng thụ hưởng. Hơn nữa, kinh doanh chuyên nghiệp sẽ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Như biểu diễn văn nghệ, sẽ tổ chức múa xòe chung, không diễn đơn lẻ ở các hộ gia đình nữa. Như vậy vừa tạo điểm nhấn, vừa phát triển loại hình nghề thuật độc đáo của đồng bào dân tộc Thái vừa được tôn vinh là Di sản phi vật thể của nhân loại.

Tùng Nguyên