Hội thảo được tổ chức tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với sự tham gia của các Sinh viên, học viên, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng và Học viện, Cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ thuộc các trường, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp trong và ngoài Thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang làm việc tại TP.HCM. Chương trình Hội thảo gồm 2 phần: Báo cáo tham luận, triển lãm và chương trình tập huấn kiến thức về công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn.
Hội thảo là hoạt động thiết thực lan tỏa ý nghĩa Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), tạo môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam về công nghệ vi mạch bán dẫn, cập nhật các chiến lược phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn trong chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số từ nay đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Hội thảo còn góp phần thúc đẩy tương tác và hợp tác giữa các hội và hiệp hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM và các chuyên gia trong lĩnh vực này từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần hình thành cộng đồng các nhà nghiên cứu công nghệ vi mạch bán dẫn và nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ này tại Việt Nam.
Nội dung trọng tâm của hội thảo tập trung các vấn đề: Định hướng phát triển chiến lược ngành vi mạch bán dẫn, đề xuất phương pháp và công cụ phát triển kinh tế số, xã hội số tại thành phố, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghệ cao, công tác phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid-19, giải pháp công nghệ bán dẫn trong quan trắc chất lượng môi trường.
Nhân dịp này, Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã ký kết hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực trong ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn. Cùng với đó, ở phần triển lãm thuộc hội thảo có với sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài TP.HCM về các sản phẩm liên quan đến công nghệ vi mạch bán dẫn, một số ứng dụng của ngành trong cuộc sống.