Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Chuyển đổi số là giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động, phục hồi và vươn lên trong đại dịch Covid-19.

TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy phát kinh tế số. Mục tiêu của thành phố là đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, với kinh tế số chiếm tỷ trọng 40% trong tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP.

Mục tiêu này đã được nhấn mạnh trong Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2022 diễn ra gần đây. Để đạt mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh đã và đang khuyến khích nhiều tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Vườn ươm khởi nghiệp Việt chuyên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên nền tảng mạng xã hội. Các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ cần trình bày dự án kinh doanh chi tiết, cụ thể. Dự án khả thi sẽ được vườn ươm hỗ trợ công nghệ để triển khai và kết nối gọi vốn đầu tư.

"Chuyển đổi số sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới vì chúng ta sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư vào kinh tế số cả trong nước và nước ngoài. Do đó, kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng mới của TP. Hồ Chí Minh", ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol Anh đánh giá.

chuyen-doi-so-1650844567.jpg
Chuyển đổi số là giải pháp nâng cao chất lượng kênh bán hàng trực tuyến, thanh toán không tiếp xúc. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, trong chuyển đổi số, công nghệ là quan trọng, nhưng con người mới là quan trọng nhất. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thiếu hụt nhân sự có thể sử dụng công nghệ chuyển đổi số. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Trước đó, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số, Thứ trưởng cho biết, trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ phấn đấu cùng 63/63 địa phương vào cuộc triển khai chương trình thúc đẩy DNNVV chuyển đổi số; cùng với đó là hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã để có đầu mối hỗ trợ người dân triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) cũng cho biết, điểm mới của SMEdx năm 2022 chính là bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN (DBI). Bộ công cụ này sẽ được áp dụng triển khai đánh giá 3 nhóm DN, gồm DNNVV, DN lớn; tập đoàn và các tổng công ty.

Bộ chỉ số này có 6 trụ cột, gồm trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược, hạ tầng và công nghệ số, vận hành, chuyển đổi số văn hóa DN, dữ liệu và tài sản thông tin. Trong mỗi trụ cột có các chỉ số thành phần và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí. Đây được coi là bộ công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ chuyển đổi số của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh dùng chung trên cả nước. DN có thể chủ động dựa vào hiện trạng, đối chiếu với các tiêu chí trong bộ chỉ số này, từ đó xác định tình hình chuyển đổi số nội tại.

Đại dịch Covid-19 đã khiến trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ước doanh thu của khối doanh nghiệp này giảm trên 50%. Ngoài ra, 24% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và số doanh nghiệp thành lập mới giảm trên 15%. Chuyển đổi số được coi là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức này.

Anh Vân (t/h)