Ngành tài chính đẩy mạnh chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Với vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số, ngành Tài chính đang tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó nội dung quan trọng nhất là hiện đại hóa chuyển đổi số trong ngành. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân sách giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số. Liên tục 7 năm qua, Bộ Tài chính được xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Được biết, hơn 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Gần đây, ngành thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế.

cong-nghe-so-1652019414.jpg
Ảnh minh họa.

Đặc biệt, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sẽ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia là nền tảng đầu tiên hình thành dữ liệu về thuế và góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số.

Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành xây dựng kho bạc điện tử với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết nối đến 100% các đơn vị sử dụng ngân sách được tích hợp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ngành Hải quan cũng đang triển khai nhiều giải pháp để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh, phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. Điều này không chỉ để thực hiện “tham vọng” đưa Hải quan Việt Nam phát triển ngang tầm các nước hiện đại trên thế giới, mà cốt lõi để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. 

Trong một cuộc hội thảo về chuyển đổi số, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng: “Ngành Tài chính vốn đã đi tiên phong trong chuyển đổi thể chế, trong cải cách hành chính, trong cắt bỏ các giấy phép con và bây giờ cũng đang đi đầu trong cuộc cách mạng số trong các cơ quan của Chính phủ Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực này của ngành Tài chính”.

Có thể thấy, để chuyển đổi sang một nền tài chính số hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp thì cần sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp…

Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Mọi dữ liệu của ngành tài chính sẽ được kết nối trên cổng dịch vụ công quốc gia, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

Anh Vân (t/h)