Ngày 9/4, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành Công văn số 3293/UBND-CN hướng dẫn triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Tại văn bản hướng dẫn này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm ra quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn quản lý. Trong đó, mỗi thôn, tổ dân phố có thể thành lập 01 Tổ công nghệ số cộng đồng (Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quyết định số lượng, quy mô của Tổ công nghệ số cộng đồng cho phù hợp trên địa bàn quản lý).
Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để có thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Hoàn thiện mô hình cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ liên thông trong nội bộ tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, Tổ công nghệ số cộng đồng nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố, ví dụ như: Mở gian hàng số, cài đặt ứng dụng Hue-S, sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-COVID, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai... Tạo kế hoạch trên mạng lưới Tổ cộng nghệ số cộng đồng tại Hue-S và tạo nhóm Zalo gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.
Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ cập nhật và gửi báo cáo định kỳ, thường xuyên qua mạng lưới Tổ cộng nghệ số cộng đồng trên ứng dụng Hue-S và nhóm trên Zalo kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai việc sử dụng nền tảng số, công nghệ số để chính quyền các cấp nắm bắt, chỉ đạo và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bao gồm: Nhóm Zalo của tỉnh: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã...(do Sở Thông tin và Truyền thông lập); Nhóm Zalo của huyện: Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã, ... (do huyện lập); Nhóm Zalo của xã: Ban Chỉ đạo cấp xã, Tổ công nghệ số cộng đồng,… (do xã lập); Nhóm Zalo của tổ: Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân… (do Tổ công nghệ số cộng đồng lập).
Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trên tinh thần: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.