Quảng cáo #128

Về Lam Kinh nghe chuyện tình Đa – Thị

“Ngàn năm đa đã đa tình/ Chứ đâu riêng chỉ chúng mình hôm nay”. Đó là hai câu thơ nổi tiếng nói về mối tình thủy chung Đa –Thị tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
cay-da-thi-2-1707903994.jpg
Cây Đa -Thị nằm ở một góc của sân rồng trong khu di tích Lam Kinh.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được quy hoạch với diện tích 200ha, trải rộng trên địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc (Thanh Hóa), cách trung tâm TP khoảng 50km về phía tây.

Đây là quê hương của vị anh hùng Lê Lợi và cũng là nơi an nghỉ của các hoàng đế, vương hậu nhà Lê Sơ. Trải qua hơn 600 năm, với biết bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, Lam Kinh dần trở thành phế tích. Năm 1994, khu di tích được Nhà nước trùng tu, tôn tạo lại trên nền tảng cũ cũng như những chứng tích được tìm thấy qua các lần khảo cổ.

Mối tình thủy chung giữa chốn linh thiêng

Bên trong khuôn viên rộng lớn, của khu di tích Lam Kinh có vô số loài cây quý hiếm với tuổi đời hàng trăm năm tạo nên vẻ cổ kính, liêng thiêng thu hút du khách. Trong số đó phải kể tới cây Đa - Thị hơn 300 năm tuổi.

Cây Đa - Thị nằm ở một góc của sân Rồng, gần Ngọ môn (còn gọi là Nghi Môn) của chính điện Lam Kinh. Sở dĩ người ta gọi là cây Đa - Thị, bởi chỉ có 1 gốc nhưng phía trên lại có 2 cây Đa và Thị. Theo lời những người gắn bó lâu năm với khu di tích, xưa kia chỗ cây đa đang áng ngữ là một cây thị. Vào mùa hè, quả thị chín mọng thơm ngát một vùng, chim chóc từ đâu kéo nhau về ăn quả và làm tổ.

Trong những lần bầy chim kéo nhau về đậu trên cành thị ăn quả, đã vô tình mang theo hạt giống của cây đa về đây. Như một mối lương duyên, hạt giống cây đa rơi xuống đất nảy mầm mọc thành cây.

Sau này, cây đa lớn lên cành lá xanh tốt nhưng kỳ lạ thay, bộ rễ của cây không vươn xa như những cây đa thông thường khác, mà ôm trọn lấy gốc thị rồi hòa thành chung một gốc tự bao giờ.

Trải qua hàng trăm năm, với sự già cỗi của cây thị cùng với sự sinh trưởng mạnh mẽ của cây đa. Năm 2007, cây thị già bỗng chết đi, để lại cây đa đơn độc đứng ở một góc của sân Rồng. Dù cây thị đã chết nhưng cây đa vẫn ôm trọn gốc cây thị ở trong lòng.

cay-da-thi-1-1707904165.jpg
Sau gần 10 năm, cây Thị có sự hồi sinh bất ngờ giữa nhánh của cây Đa

Cảm thông trước “mối tình” sắc son của 2 loài mộc tinh này, trong một lần viếng thăm Lam Kinh, nhà thơ Hữu Thư đã viết:

“Rễ Đa nhất mực yêu thương

Chỉ ôm thân Thị không vươn ra ngoài

Bao năm đã như vậy rồi

Thân trong là Thị vỏ ngoài là Đa

Thời gian năm tháng đi qua

Thị đây kiệt sức vì Đa quên mình

Một cành vươn chọc trời xanh

Thở không khí lành mong sống cùng Đa”

Sự hồi sinh kỳ diệu

Những tưởng chuyện tình đa thị đã khép vào trong “dĩ vãng” khi cây Thị chết đi. Tuy nhiên sau gần 10 năm, Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh bất ngờ khi phát hiện từ góc bên phải của cây đa mọc lên một cây thị. Người dân nơi đây gọi đó là sự hồi sinh của "mối tình" tri kỷ.

Cây thị mọc từ trong lòng cây đa, cành lá xanh tốt khiến du khách về tham quan khu di tích Lam Kinh rất ngạc nhiên. Thậm chí mối tình Đa –Thị còn khiến cho những tâm hồn nhạy cảm của thi nhân đã viết nên những vần thơ để đời: “: "Ngày xưa đa đã đa tình/Chứ đâu riêng chỉ anh em mình hôm nay…".

Cũng vì sự hồi sinh kỳ lạ này mà mỗi khi nhắc tới cây Đa - Thị ở Khu di tích Lam Kinh, nhiều người thường liên tưởng đến mối tình thủy chung, trường tồn cùng đất trời. Ngày nay, các cặp đôi uyên ương khi về thăm vùng đất thiêng Lam Kinh thường tìm đến gốc cây Đa - Thị để cùng ước nguyện được sánh bước trọn đời, còn những cặp vợ chồng thầm ước được bên nhau đến bạc đầu răng long,...

Năm 2013, cây Đa - Thị tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.

cay-oi-cuoi-1707904237.jpg
Ngoài cây Đa - Thị ra, tại Khu di tích Lam Kinh còn xuất hiện nhiều cây "kỳ bí" thu hút du khách như cây ổi cười, cây Xui, cây Lim hiến thân...

Theo Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cây Đa - Thị là một trong số 18 cây di sản ở khu di tích. Trong đó, 13 cây thuộc phạm vi di tích Lam Kinh (thuộc xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân), 5 cây thuộc phạm vi đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc).

Đây đều là những cây có tuổi thọ trên 100 năm, có hình dáng đặc sắc và độc đáo. Cùng với đó là giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, mỹ quan gắn với sự tồn tại của vùng đất thiêng Lam Kinh.

Không chỉ có chuyện tình cây Đa – Thị, tại Khu di tích đặc biệt này còn có nhiều loài cây độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa như cây Lim hiến thân, cây ổi cười… tất cả đều hiện lên với trong vẻ đẹp “huyền bí” giữa chống linh thiêng này./.

Hà Khải