Nhà vườn ở Hà Tĩnh phấn khởi vì cam được mùa, giá cao kỷ lục

Vụ cam năm 2024 tại Hà Tĩnh được nhiều nhà vườn đánh giá là một vụ thắng lợi bởi cam vừa được mùa, vừa được giá. Thời điểm này, nhà vườn đang tất bật thu hoạch cam để cung ứng cho khách hàng.
mua-cam-1732266439.png
Nhà vườn phấn khởi khi cam vừa được mùa lại được giá.

Cam được mùa

Thời điểm này đang vào chính vụ của mùa cam ở Hà Tĩnh. Cam chủ yếu được trồng tại cá huyện như: Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê… Hiện nay, các nhà vườn đang tất bật hái cam để cung ứng cho khách hàng, thương lái. Các ngả đường vào vùng trồng cam luôn tấp nập người, xe vào để mua, vận chuyển hàng.

Xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được xem là vựa cam lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Hiện, toàn xã có khoảng 500 hộ trồng cam với diện tích trên 200 ha trồng cam chanh và cam giòn, trong đó, cam giòn chiếm diện tích hơn 50%.

mua-cam-6-1732266372.png
Những vườn cam sai trĩu quả ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc.

Bà Dương Thị Mai (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: Trang trại của tôi rộng hơn 4ha tôi trồng 2.000 gốc cam chanh, cam giòn các loại. Hiện trang trại cam của gia đình đã thu hoạch được 2 tấn. Ước tính vụ mùa này, gia đình bà Mai đạt sản lượng 40 tấn cam, cao hơn 10 tấn so với năm 2023.

Anh Đoàn Ngọc Bảo (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) cho hay: Gia đình tôi hiện có 1.500 gốc cam tương đương với 3ha chủ yếu là giống cam xã đoài, cam giòn, cam navel,.... sản lượng khoảng 15 tấn. So với các năm trước, sản lượng cam của tôi cũng như người trồng cam tại huyện Vũ Quang đều tăng hơn so với năm ngoái và người dân chú trọng chăm sóc để nâng cao chất lượng của quả cam.

Tại huyện Hương Khê, hiện có diện tích trồng cam đạt khoảng 2.000 ha, tập trung ở các xã như Hương Đô, Hương Thủy, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Giang. Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chăm sóc tốt, cam đạt chất lượng cao nên được khách hàng ưa chuộng, có sức tiêu thụ tốt trên thị trường trong nhiều năm qua.

mua-cam-7-1732266409.jpg

Hiên nay, nhiều vườn cam tại Hà Tĩnh được cấp chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ, VieetGAP, đạt tiêu chuẩn OCOP.

Nhiều nhà vườn cho biết, để tăng sản lượng và chất lượng của cam họ chú trọng vào quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Cam được bọc kỹ từng quả nên mẫu mã đẹp, hạn chế bị sâu, ruồi vàng chích, vị ngọt thơm. Vì vậy, cam được khách hàng rất ưa chuộng.

Theo những hộ trồng cam nơi đây, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc bà con tỉ mẩn khâu chăm sóc, sản xuất theo hướng tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm đã khiến năng suất cam tăng khoảng hơn 20%, chất lượng cũng tăng cao.

Giá cam cao nhất trong khoảng 10 năm gần đây

mua-cam-0-1732266473.jpg
Nhà vườn tất bật cắt cam, để cung ứng cho khách hàng.

Thời điểm này, những vườn cam ở Hà Tĩnh đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Sản lượng lớn cùng với giá bán tăng cao, từ 30.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại, giúp nông dân có thu nhập ổn định. Theo các nhà vườn, đây là mức giá cao nhất trong khoảng 10 năm gần đây.

Bà Dương Thị Mai (xã Thương Lộc) vui vẻ cho biết: Hiện nay, nhiều tiểu thương đã đến nhập sĩ và trả giá cam chanh 30.000 đồng/kg, cam giòn 45.000 - 50.000 đồng /kg. Doanh thu năm nay của gia đình ước đạt  hơn 1,2 tỷ đồng (tăng hơn 30% lợi nhuận so với năm trước). So với các năm trước, giá cam cao hơn nên chúng tôi rất vui.

Anh Đoàn Ngọc Bảo (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) chủ cơ sở Cam Ocop Bảo Phương phấn khởi chia sẻ: Chưa năm nào mà ngay từ đầu vụ cơ sở tôi bán cam “sướng” như năm nay, trong vòng một tuần tôi bán được 5 tấn cam, có những ngày tôi bán được 2 tấn. Nhờ xây dựng tốt thương hiệu, cam năm nay lại có chất lượng tốt nên cơ sở bán được giá, hiện đang bán tại vườn với giá 40.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Vinh, Hà Nội... thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 500 triệu đồng.

mua-cam-3-1732266366.jpg
Vụ cam năm nay được đánh giá đạt năng suất và chất lượng cao nhất từ trước tới nay.

Cam của gia đình anh Ngọc Bảo được trồng, đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ nên sản phẩm cam ngọt, có mùi thơm đặc trưng, quả đều, đẹp. Từ năm 2020 đến nay gia đình anh luôn bán với giá cao hơn các hộ trong vùng chênh lệch từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg nhưng vẫn được khách hàng tin dùng. Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm của cơ sở mình anh Phương còn thu mua cam của các hộ trong vùng để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các hộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc chia sẻ: Tại địa phương chúng tôi, cam được trồng chủ yếu ở các thôn Anh Hùng, Sơn Bình, Nam Phong, Đông Phong… Năm nay sản lượng cam toàn xã đạt hơn 1.800 tấn, cho giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng. Cây cam vì thế trở thành cây trồng giúp người dân địa phương thoát nghèo, mang lại thu nhập khá.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cũng như để phát triển bền vững cây cam, thời gian qua chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích các hộ dân chuyển đổi sang sản xuất theo các quy trình VietGAP, hữu cơ để đảm bảo đồng nhất chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm. Thời gian tới xã tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng giống cam giòn để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

mua-cam-5-1732266362.jpg
Can được trồng chăm sóc theo hướng hữu cơ, quả được bọc cẩn thẩn tránh sâu bọ, ruồi vàng châm chích.

Hiện nay, thông qua các nền tảng số, mạng xã hội, trang thương mại điện tử hợp tác xã đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, hằng năm tỉnh Hà Tĩnh đã xúc tiến, tổ chức nhiều hoạt động như hội chợ, lễ hội nhằm quảng bá, tôn vinh thương hiệu cam và các sản phẩm đặc sản của tỉnh đến với người tiêu dùng. Từ đó, hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để các doanh nghiệp gặp gỡ nhà phân phối nhằm liên kết, hợp tác đầu tư và tiêu thụ.

mua-cam-2-1732266397.jpg
Cam Hà Tĩnh được các nhà vườn, HTX quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 7.300 ha cam; trong đó, có hơn 6.100 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt gần 70.000 tấn/năm. Đến nay, đã có 115 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 680 ha và diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ gần 80 ha.

Nguyễn Duyên