Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc. Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962.
Thành cổ - minh chứng một thời thịnh trị
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, khu di tích Lam Kinh vẫn hiện diện như một vùng đất thiêng, lưu giữ nhiều di vật quý giá, góp phần củng cố niềm tự hào về một thời thịnh trị của triều đại Hậu Lê trong lịch sử dân tộc.
Theo nghiên cứu của các nhà sử học, năm 1428, sau khi chiến thắng giặc Minh, giành lại nền độc lập cho đất nước, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã lên ngôi vua, mở đầu cho triều đại Hậu Lê. Để tưởng nhớ quê hương tiên tổ, cũng là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi đã cho xây dựng Sơn Lăng ở vùng đất thiêng Lam Sơn, về sau gọi là Lam Kinh.
Khu di tích Lam Kinh rộng khoảng 200ha, bao gồm lăng mộ, đền miếu và hệ thống thành điện, hành cung của các vị vua nhà Hậu Lê. Lam Kinh được xây dựng theo quan điểm của thuyết phong thủy, với bố cục tổng thể nương vào điều kiện địa lý và tận dụng các ưu thế do thiên nhiên tạo ra.
Lam Kinh gồm nhiều hạng mục. Qua thời gian, hầu hết các công trình đều bị phá hủy hoặc hư hại. Năm 1995, công cuộc trùng tu quy mô nhất được tiến hành, kéo dài cho đến những năm gần đây. Căn cứ vào sử liệu và khảo cổ học ở thực địa, các hạng mục kiến trúc của Lam Kinh dần được sáng tỏ và từng bước được phục dựng, cho thấy những nét chính của một quần thể kiến trúc huy hoàng trong lịch sử.
Khu thành điện Lam Kinh được xây dựng theo hình chữ nhật tường thành dày 1m, cổng chính quay về hướng Nam. Qua cổng thành có sông Ngọc bao quanh khu miếu điện. Các hạng mục kiến trúc được bố trí theo một trục ở chính giữa gồm: Bạch Kiều (cầu Sông Ngọc) nghi môn, sân rồng. Từ sân rồng đi qua thềm rồng 9 bậc bằng đá tới nền điện. Các điện Quang Đức, Sùng Hiếu, Diên Khánh có bố cục hình chữ “công”, gồm 22 gian liên hoàn với tổng diện tích khoảng 1.650m2.
Phía sau điện Lam Kinh là Cửu Miếu, gồm 9 tòa, có bố cục hình cánh cung ôm ra phía trước. Đây là nơi thờ các vua và hoàng hậu cùng một số người trong gia tộc. Sau khu vực này là tường hậu. Thành nội có công năng thờ cúng và là nơi diễn ra các lễ nghi khi vua từ Đông Đô về. Phía ngoài thành nội là khu thành ngoại, gồm các công trình của bộ máy trông coi miếu điện.
Vào dịp tháng 8 (Âm lịch) hằng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và ngày 22 (giỗ vua Lê Lợi), Lễ hội Lam Kinh được tổ chức để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân. Tại đây, du khách có dịp tỏ lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, dâng nén hương thơm lên mộ vua Lê cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Sự lạ huyền bí...
Bên cạnh những cung điện uy nghi, cổ kính, Lam Kinh còn biết đến với những câu chuyện, những hiện vật đầy bí ẩn như mối tình cây đa thị, cây lim hiến thân… Đặc sắc hơn cả có lẽ chính là cây ổi cười được trồng trước mộ vua Lê…. Hình như, tất cả các vạn vật nằm trong khu di tích đều mang trong mình những tâm hồn, cảm xúc hiện hữu một dũng khí uy nghi bất diệt.
Theo tài liệu của Ban Quản lý khu di tích, cây ổi “cười” do ông Trần Hưng Dẫn (thôn Hành Thiện, Nam Định) cung tiến năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ, nhờ đó mà ông hạ sinh được quý tử. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Đến nay, dòng tộc ông Dẫn đang sinh sống ở Hải Phòng, mỗi đời chỉ có một người con trai nối dõi tông đường.
Đến năm 1994, cây ổi được phát hiện biết “cười”. Trong một lần viếng thăm mộ vua, một du khách ngồi cạnh cây ổi đã phát hiện ra điều kỳ lạ này. Khi "cù" vào gốc, tất cả lá cây đều rung rinh. Hơn thế, nếu nắm tay vào một đoạn thân cây, nhắm mắt lại, đa số mọi người đều có cảm giác lâng lâng, quay cuồng đầu óc và rung lắc như bị cành cây giật điện. Cuối năm 2001, có một nhà thơ sau một lần viếng thăm vua Lê, bằng tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ khi thấy những điều kỳ lạ ở cây ổi nên đã đặt tên cho nó là cây ổi "cười".
Cũng từ đấy, mỗi khi đến viếng mộ vua Lê, du khách không thể bỏ qua một lần chiêm ngưỡng và thử cảm giác với cây ổi “cười”.
Du khác Trịnh Tuyết Mai chia sẻ: “Em đến Lam Kinh rất nhiều lần, mỗi lần đến đây em đều qua chiêm ngưỡng cây ổi cười, khi ta dùng ngón tay gãi nhẹ lên vỏ cây, lá ổi bắt đầu rung rinh rất kỳ lạ”.
Ngoài cây ổi biết cười, câu chuyện về cây lim hiến mình cũng kỳ bí không kém. Khi xây dựng chính điện, thiếu mất một cây gỗ, Ban quản lý đang loay hoay tìm phương án thay thế, thì ngay ngày hôm sau một cây lim đang xanh tốt bỗng nhiên trút lá, người dân coi đây là sự lạ.
Hướng dẫn Viên Lê Thị Hà Chia sẻ: “Lúc hạ cây lim xuống, có một loại mủ màu đỏ như máu chảy ra. Kỳ lạ hơn, chiều cao cũng như độ to của cây khớp với cột cái gian chính điện”.
Trải qua thăng trầm lịch sử, giờ đây Lam Kinh là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương đến viếng thăm, thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với các vị vua nhà Hậu Lê một thời thịnh trị, ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm nhiều điều lý thú về cuộc sống nơi chốn linh thiêng này.