Trách nhiệm của doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tăng trưởng xanh theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như với xã hội như thế nào cần được xem xét một cách đầy đủ để có những khuyến nghị và giải pháp phù hợp.
1-1698891276.jpg
Trách nhiệm của doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh - Ảnh minh hoạ.

Đặt vấn đề.

Tăng trưởng xanh (TTX) ở Việt Nam đã được triển khai khá sớm từ những năm đầu của thập niên 2010-2020, sau một quá trình tiếp cận và triển khai thực hiện, đến nay đã có những sự thay đổi dần được sự chấp nhận của xã hội nhằm thực hiện nội hàm của kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững. Để thực hiện TTX, vai trò của doanh nghiệp (DN) là hết sức quan trọng, bởi lẽ DN là chủ thể thực hiện chính đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và TTX nói riêng. Vậy trách nhiệm của DN đối với TTX theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như với xã hội như thế nào cần được xem xét một cách đầy đủ để có những khuyến nghị và giải pháp phù hợp.

Trách nhiệm của DN đối với TTX được quy định trong chỉ đạo của Chính phủ

Từ đầu những năm thập niên 2010-2020, Việt Nam đã thực hiện TTX phù hợp với xu hướng chung của thế giới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, nhất là chuyển đổi sử dụng năng lượng, hạn chế phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo và khôi phục duy trì hệ sinh thái tự nhiên, đầu tư phục hồi vốn tự nhiên. Từ việc học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên phong trong cách tiếp cận này như Hàn Quốc, các nước châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước khác tiếp cận theo hướng này như Singapore, Trung Quốc, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia TTX; trong quyết định này về quan điểm thể hiện liên quan đến DN cho rằng, TTX là sự nghiệp của DN và cần phải xanh hóa trong mọi ngành, lĩnh vực và lối sống.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Chính phủ đã tổng kết và ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quan điểm được đưa ra trong Chiến lược liên quan đến trách nhiệm của DN khẳng định “TTX là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng DN và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững”.

Như vậy, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trách nhiệm của DN đối với TTX là đổi mới sáng tạo để phát triển phồn vinh đất nước nhằm thực hiện mục tiêu bền vững. Mục tiêu Chiến lược TTX đặt ra về “xanh hóa các ngành kinh tế” yêu cầu “áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn” để nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa vào nền tảng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong khai thác, sử dụng, tiết kiệm tài nguyên, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường, thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam nhằm hướng đến cam kết vào năm 2050 đưa phát thải ròng carbon bằng 0; 75% năng lượng dự kiến đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2045; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Như vậy, nếu DN không thấy rõ trách nhiệm của mình sẽ khó đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra cho quốc gia.

Để thực hiện TTX, đòi hỏi DN phải thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến TTX của DN. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được xây dựng. Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy TTX (1). Tùy thuộc vào loại hình DN để áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp.
Thực tiễn những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về TTX đã có nhiều DN thể hiện trách nhiệm của mình đối với TTX.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực DN bao gồm DN FDI và DN trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến TTX, phát triển xanh như năng lượng tái tạo, các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh (2). Như vậy, với con số đạt được đầu tư cho TTX ngày càng tăng thể hiện trách nhiệm của DN đối với hoạt động của mình. Có những DN đã tiên phong thực hiện trách nhiệm của mình đối với TTX như VinBus vào tháng 3/2022 đã khai trương xe buýt điện tại Hà Nội và sau đó là TP. Hồ Chí Minh; hiện nay đã triển khai thêm hệ thống Taxi xanh SM. Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM chính thức thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 14/4/2023 đánh dấu mốc quan trọng thể hiện trách nhiệm của DN đối với TTX tiên phong ở Việt Nam. Trước mắt, công ty hoạt động trên 5 tỉnh thành trong cả nước, trên cơ sở đó tiếp tục mở rộng ra các tỉnh thành khác. Biểu tượng xe Bus và xe Taxi xanh của Vinfast đã minh chứng cho trách nhiệm của DN đối với TTX trong lĩnh vực giao thông công cộng và dịch vụ Taxi đã chiếm cảm tình của xã hội...

Nhiều DN khác cũng đã và đang thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện trách nhiệm TTX tại cơ sở sản xuất kinh doanh của mình như các DN thuộc khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng; Vinamilk; TH Trung milk; Bia Heniken…. Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của các DN những năm gần đây cho thấy, nhận thức về trách nhiệm thực hiện TTX của các DN ở Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh những DN xuất khẩu, các nước nhập khẩu sản phẩm đòi hỏi ngày càng cao không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn hoạt động sản xuất của sản phẩm đó phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường.

Từ ngày 01/10/2023, Liên minh Châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đến năm 2026 sẽ thực hiện đầy đủ. Theo đó, trong tương lai sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU dựa vào cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại, trước mắt CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất, bao gồm: xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và điện . EU đang là một thị trường xuất khẩu lớn và giàu tiềm năng với Việt Nam, việc áp thuế carbon của các nước EU sẽ có những tác động không nhỏ đến DN Việt Nam. Như vậy đặt ra cho DN Việt Nam những yêu cầu và trách nhiệm cao cho việc thực hiện giảm thiểu CO2 trong thời gian tới hoặc phải chịu áp thuế Carbon.

Trong lĩnh vực năng lượng, đã và đang có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời thể hiện rõ trách nhiệm của DN đối với TTX thông qua việc chuyển đổi năng lượng, nhất là ở khu vực phía Nam, các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Từ thực tiễn hoạt động của một số DN như đã phân tích ở trên cho thấy, ở Việt Nam đã và đang có nhiều DN có sự chuyển dần hoạt động từ “nâu” sang “xanh”, thể hiện rõ trách nhiệm của DN đối với TTX. Tuy nhiên vẫn còn những DN chưa thể hiện được trách nhiệm của DN đối với TTX, nhất là những loại hình DN vừa và nhỏ, các DN hoạt động trong các làng nghề hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường và tiêu hao nhiều năng lượng, chưa sử dụng năng lượng tái tạo trong khi có điều kiện thực hiện.

Một số kiến nghị nhằm tăng cường trách nhiệm của DN đối với TTX

Thứ nhất, vai trò của Nhà nước: Mặc dù hiện chúng ta đã có Chiến lược TTX quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, nhưng trong nội dung chiến lược các mục triển khai thể hiện trách nhiệm của DN đối với TTX chưa rõ. Do vậy cần có những quy định bổ sung thể hiện rõ trách nhiệm của DN đối với thực hiện chiến lược TTX như thế nào. Mặt khác cũng cần xác định việc DN thực hiện chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” sẽ gặp phải những khó khăn vướng mắc gì từ những quy định pháp luật trước đây để có hướng tháo gỡ những vướng mắc đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện trách nhiệm của mình.

Thứ hai, vấn đề nhận thức của DN về TTX. Nhận thức là quan trọng nhất, đặc biệt đối với chủ DN để thực hiện chuyển đổi xanh có 2 nhóm tiêu chí cơ bản DN cần hướng đến đó là: (i) tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo, giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính (ii) duy trì và phục hồi hệ sinh thái, hạn chế tối đa và không gây thiệt hại cho môi trường, định hướng chiến lược kinh doanh thân thiện với môi trường. Với cách tư duy như vậy DN sẽ chuyển dần cách thức hoạt động kinh doanh của mình ngay từ khâu chiến lược, quy hoạch và triển khai của DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, vấn đề đầu tư của DN đối với chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”. Bên cạnh trách nhiệm DN cũng phải căn cứ vào thực lực của mình, nhất là nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi công nghệ, vốn đầu tư phục hồi môi trường, vốn cho quảng bá sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường thay thế, đào tạo nhân lực.... Để có nguồn vốn đầu tư, DN nên tìm hiểu và tiếp cận những nguồn vốn “xanh” như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ bảo vệ môi trường và các nguồn vốn liên quan khác phù hợp với chuyển đổi xanh của DN.

Thứ tư, vấn đề truyền thông, cập nhật thông tin mới liên quan đến DN thực hiện trách nhiệm của mình đối với TTX. Chẳng hạn như cam kết của Việt Nam tại COP26 đến năm 2050 phát thải ròng bằng không liên quan đến trách nhiệm của DN. Hay từ tháng 10/2023 EU bắt đầu triển khai CBAM cho sáu loại hình kinh doanh nhập khẩu sản phẩm vào EU của các DN phải tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính để đến năm 2027 trở đi khi nhập khẩu sản phẩm vào EU phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế Carbon. Như vậy, DN sẽ nắm bắt được thông tin không chỉ để thực hiện trách nhiệm của mình mà còn tránh được những rủi ro trong kinh doanh của DN.

Thứ năm, vai trò của các bên liên quan đến hoạt động kinh doanh của DNcùng đồng hành với DN để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình đối với TTX như cơ quan quản lý của các Bộ, Ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính…, các hiệp hội DN và ngành nghề, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các cơ quan tư vấn cho DN.

Kết luận.

Chiến lược TTX đã được Chính phủ ban hành hai lần, lần thứ hai được triển khai cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện Chiến lược TTX, trách nhiệm của DN là hết sức quan trọng. Thực tế đã có những DN thực hiện trách nhiệm của mình, nhưng vẫn còn những DNchưa thực hiện hoặc đang do dự với những lý do khác nhau, nhất là DN vừa và nhỏ. Chính vì vậy cần có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn giúp DN thực hiện trách nhiệm của mình đối với TTX.n

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE).