Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là gì?

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) định nghĩa "kinh tế xanh" là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái về môi sinh.
y-1695948293.jpg

Chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng cacbon và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Sẽ có lợi cho sức khỏe con người, đảm bảo tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại. Thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo những chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững.

"Tăng trưởng xanh" là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của con người phụ thuộc vào, cho thế hệ này và những thế hệ mai sau.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng “Tăng trưởng xanh là quá trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này”. Vậy có thể nói "tăng trưởng xanh" và "kinh tế xanh" có quan hệ rất mật thiết với nhau. Để có được tăng trưởng xanh thì không thể không có kinh tế xanh và ngược lại.

Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2020 - 2025, tầm nhìn 2045 với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo chất lượng môi trường và an sinh xã hội trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và chịu nhiều tác động tiêu cực do chiến tranh cục bộ, tăng trưởng thấp, khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia và biến đổi khí hậu. Và để đảm bảo được những mục tiêu phát triển như trên, từ tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh ở Việt nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững./.

Nguyễn Vũ TH