Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) định nghĩa, kinh tế xanh (KTX) là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái về môi sinh. Chuyển dịch sang nền KTX sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng cacbon và ngăn chặn biến đổi khí hậu; sẽ có lợi cho sức khỏe con người, đảm bảo tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại.
Còn tăng trưởng xanh (TTX) là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của con người phụ thuộc vào, cho thế hệ này và những thế hệ mai sau.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, TTX là quá trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này. Vậy có thể nói, TTX và KTX có quan hệ rất mật thiết với nhau. Để có được TTX thì không thể không có KTX và ngược lại.
Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2045 với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo chất lượng môi trường và an sinh xã hội trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và chịu nhiều tác động tiêu cực do chiến tranh cục bộ; tăng trưởng thấp, khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia và biến đổi khí hậu. Và để đảm bảo được những mục tiêu phát triển như trên, từ tháng 9/2012, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
TTX ở Việt Nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chiến lược TTX của Việt Nam đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng, gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất, thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; Và Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. KTX, TTX đang là xu hướng phát triển chung ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước đang phát triển. Chuyển sang mô hình TTX, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu vể Chiến lược TTX trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực thị trường dịch vụ hỗ trợ tăng trưởng xanh. Cụ thể cần:
Thứ nhất, Chính phủ phải đưa ra mục tiêu cụ thể, triển khai các biện pháp tạo sức ép cũng như khuyến khích và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nhằm giảm cường độ tiêu hao năng lượng của các ngành năng lượng, giao thông vận tải, sắt thép, dệt sợi, giấy trong thời gian tới.
Thứ hai, nghiên cứu và triển khai các chính sách, đặc biệt về thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng khuyến khích đổi mới, cải tiến, nâng cấp công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và tiêu hao năng lượng thấp.
Thứ ba, cần nghiên cứu phương án xóa bỏ trợ cấp giá điện cho sản xuất công nghiệp.
Thứ tư, phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan bộ ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách TTX, trong đó nhấn mạnh vai trò tích cực và chủ động của cơ quan điều phối và giám sát thực hiện chiến lược TTX như Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Bộ Tài Chính...
Thứ năm, cần đẩy mạnh các nghiên cứu đánh giá tác động nhiều mục tiêu của các chính sách TTX để thiết kế những bước đi và chính sách phù hợp. Như vậy ta có thể dễ dàng thấy với chiến lược này, Việt Nam đang đi theo xu hướng đúng đắn mà nhiều nước trên thế giới đang theo đuổi.
TTX đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh, trong khi nguồn lực trong nước của Việt Nam rất hạn chế. Theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược TTX về giảm cường độ phát thải đến năm 2025, Việt Nam cần tới 30 tỷ đô la. Đây quả thực là một thách thức lớn khi nguồn lực ngân sách nhà nước rất hạn chế, lại phải chi cho nhiều mục tiêu khác nhau. Chính vì vậy, thực hiện chiến lược TTX do đó không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.