Tháo gỡ rào cản, giúp doanh nghiệp nâng cao... “sức khỏe”

Số lượng doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2023 tăng đáng kể, cho thấy thực trạng khá ảm đạm trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
nganh-co-khi-1695097636.jpg
Tháo gỡ các rào cản, khó khăn để nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường lên tới 124,7 nghìn, tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022, một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” doanh nghiệp đáng báo động. Từ đó, ông Đậu Anh Tuấn đề cập một số rào cản, khó khăn và giải pháp khắc phục cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Theo đó, chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua.

Thứ hai, việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng suy giảm, tổng cầu trong nước giảm mạnh, kéo theo nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng lao động, việc tiếp cận đất đai và phải trả chi phí không chính thức là những thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

Thứ ba, rào cản về chi phí kinh doanh cao làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Các chi phí cao này khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Do đó, việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.

Thứ tư, chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện. Các doanh nghiệp đề nghị một số giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật như tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các Thông tư, các quy hoạch, kế hoạch. Bên cạnh đó, nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới; bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con…

Thứ năm, các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, cần phải có các mức ưu đãi khác nhau đối với các loại sản phẩm khác nhau…

Thứ sáu, doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới. Theo ông Đậu Anh Tuấn, các cơ quan Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để nhiều quy định quản lý dịch vụ trên mạng trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này. Điều đó gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Đông Nghi