Nghệ An có 5 huyện, thị xã gồm (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò) và 34 xã, phường ven biển có hoạt động nghề cá. Với bờ biển dài 82km, là một trong những địa phương có đội tàu khai thác thủy sản lớn, với hơn 3.100 tàu cá, khoảng 12.000 lao động trực tiếp tham gia khai thác trên biển. Một trong những chiến lược quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng EC” trong khai thác thuỷ sản bất hợp pháp là thay đổi nhận thức của ngư dân.
Để góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản, các cơ quan chức năng, ban ngành, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tăng cường công tác tuyên truyền về chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo.
Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm, nghề nghiệp của từng đối tượng như tuyên truyền tập trung, tuyên truyền cá biệt, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, qua hội họp, hội nghị, sinh hoạt học tập, tập huấn, phát tờ rơi, hoạt động văn hoá. Tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong khai thác thuỷ sản.
Ông Nguyễn Văn Diện (51 tuổi) - chủ tàu NA99999TS (trú khối Tân Tiến, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: Nhiều năm qua, nhờ các hình thức tuyên truyền như báo chí, loa phát thanh, trực tiếp, ông Diện cũng như hàng trăm ngư dân tại địa phương đã ý thức được tầm quan trọng của việc gỡ bỏ “thẻ vàng EC”.
Chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp, ông Diện luôn hoàn tất các thủ tục cần thiết theo đúng quy định của pháp luật như trình sổ sách đầy đủ với lực lượng Biên phòng, lắp máy giám sát hành trình, không sử dụng chất nổ trong khai thác, báo cáo số lượng cụ thể các thuyền viên trên tàu, ngư lưới cụ phải đúng kích cỡ về mắt lưới theo quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài, áo phao, bình chữa cháy đầy đủ…
“Nhờ tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng, ngư dân chúng tôi đã dần hiểu rõ những việc cần làm và thực hiện nghiêm các quy định trong những chuyến ra khơi. Chẳng hạn như tàu chúng tôi vào đây phải đầy đủ tất cả các thủ tục theo quy định thì mới được phép nhập cảng. Khi xuất bến, chúng tôi cũng bảo đảm các thủ tục theo quy định.
Ngoài trình báo với đồn Biên phòng, chúng tôi cũng đã khai báo với ban quản lý cảng về nguồn gốc thủy sản đánh bắt… đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và ngư dân chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng nhà nước, các cơ quan, ban ngành để cùng nỗ lực trong việc gỡ thẻ vàng EC”, ông Diện chia sẻ.
Ngư dân Lê Tiến Liễu (62 tuổi, trú phường Quỳnh Phương) - thuyền viên tàu NA906362TS gắn bó với nghề đánh cá từ năm 13 tuổi. Ông Liễu khẳng định sinh kế gắn liền với hoạt động khai thác thủy sản nên mỗi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU. Vì vậy, sau khi được tuyên truyền, các tàu cá cũng như thuyền viên nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, vững tâm trong mỗi chuyến vươn khơi.
“Trong những chuyến ra khơi, chúng tôi luôn chấp hành những quy định của nhà nước và pháp luật. Nhà nước luôn tuyên truyền phải có trách nhiệm, không được vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định IUU nhằm góp phần cùng cả nước gỡ được thẻ vàng của EC để đánh bắt được lâu dài. Ngư dân chúng tôi thực hiện tốt các quy định này cũng là để bảo vệ cuộc sống, miếng cơm manh áo của chúng tôi”, ông Liễu chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của nhiều ngư dân, việc người dân không thực hiện các quy định trong khai thác thủy sản một phần là do trước đây chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc khai thác theo quy định IUU.
“Từ khi được chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, tăng cường hướng dẫn cách thức thực hiện khai thác đúng quy định thì người dân đã tuân theo, thực hiện nghiêm chỉnh và xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Ngư dân chúng tôi đều hiểu rõ nếu “thẻ vàng EC” không được gỡ bỏ, hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, giá trị của thủy hải sản cũng sẽ suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi chúng tôi”, ngư dân Hoàng Văn Khanh (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết thêm.
Chỉ riêng năm 2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển và lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền tập trung 12 buổi với 2.235 lượt người tham gia.
Các đơn vị tuyến biển phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền trên loa phát thanh địa phương 108 đợt, tuyên truyền tập trung tại phường, xã cho ngư dân 82 buổi với 3.441 lượt người tham gia, phát 3.550 tờ rơi... Đồng thời, tổ chức ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp cho chủ 5.582 phương tiện. Nhờ đó, nhận thức của ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp đã có những chuyển biến tích cực, gần 98,6% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngư dân nghiêm túc tuân thủ quy định về xuất bến và khai thác đúng pháp luật./.
(Còn tiếp)