Thời gian qua, tại nước ta, vấn đề về tăng trưởng xanh, phát triển xanh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy, các bộ ngành, địa phương hết sức nỗ lực và chủ động vào cuộc, triển khai, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển xanh, khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam trong hướng tới hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Quá trình chuyển đổi xanh cũng đã mở ra rất nhiều triển vọng phát triển, hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam cũng như các cơ hội vươn ra thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích làm rõ một số vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.
Chính sách về tăng trưởng xanh cũng còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Tăng trưởng xanh là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Theo đó Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-20230 và tầm nhìn đến năm 2025, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình. Điều đó cho thấy Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế- xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cho các bên tham gia, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với khối doanh nghiệp, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình tăng trưởng xanh. Cụ thể, đối với các biện pháp ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh, chúng ta xác định được ngay loại ưu đãi doanh nghiệp.
Thứ nhất là ưu đãi tài chính, thứ hai là ưu đãi phi tài chính. Các ưu đãi về tài chính đã được thể hiện rất rõ trong Nghị định của Chính phủ, quy định của các bộ ngành liên quan đến thuế, liên quan đến tiếp cận tài chính, liên quan đến lãi suất và liên quan đến tất cả các nội dung có thể phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính đối với các doanh nghiệp rất rõ ràng, nằm trong các cơ chế, chính sách cụ thể mà các bộ, ngành đã ban hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành những chính sách phi tài chính cho doanh nghiệp. Theo đó các doanh nghiệp có cam kết về tiến trình tăng trưởng xanh sẽ được xem xét, phê duyệt để có quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.
Đương nhiên khi doanh nghiệp muốn hưởng các ưu đãi đối với tiến trình tăng trưởng xanh thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện hay ngắn gọn là các tiêu chí, nguyên tắc để được hưởng ưu đãi như vậy. Doanh nghiệp phải đáp ứng được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho tiến trình tăng trưởng xanh. Những quy định này trong thời gian vừa qua các bộ, ngành cũng như Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ chính sách dành cho doanh nghiệp.
Khuôn khổ chính sách dành cho tăng trưởng xanh ngày càng rõ ràng hơn, minh bạch và cụ thể hơn để doanh nghiệp hiểu và áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, chính sách về tăng trưởng xanh cũng còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện, dư địa dành cho nội dung hoàn thiện này còn rất lớn.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc đầu tiên cần triển khai thời gian tiếp theo là phải có hệ thống phân loại xanh quốc gia rất rõ ràng, cụ thể. Việc này Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan sẽ ban hành hệ thống xanh quốc gia.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành hệ thống ngành xanh quốc gia. Khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ xác định được rõ doanh nghiệp nào, dự án đầu tư nào được hưởng các ưu đãi về cơ chế, chính sách dành cho tăng trưởng xanh.
Sau khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ có hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi kèm theo rõ ràng dành cho doanh nghiệp. Tất nhiên tiến trình như vậy sẽ yêu cầu khối lượng thời gian không nhỏ. Do đó, Chính phủ cũng cho phép áp dụng cơ chế thí điểm liên quan đến tăng trưởng xanh và nội dung cụ thể này trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng những cơ chế ưu đãi đặc thù dành cho các dự án đầu tư cũng như các doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh.
Chúng ta có thể tiếp cận theo hướng lựa chọn những dự án đầu tư thí điểm có tiêu chí nguyên tắc đáp ứng tăng trưởng xanh, cũng như có thể xác định những doanh nghiệp đã áp dụng tiến trình tăng trưởng xanh như áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, công nghệ hướng tới tương lai về bảo đảm mức khí thải đáp ứng yêu cầu. Những nội dung này đang trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện và bổ sung chính sách trong thời gian tiếp theo. Điều này đòi hỏi có sự phối hợp rất tích cực của các bên liên quan, trong đó có bản thân các doanh nghiệp.
Khi các doanh nghiệp tham gia quá trình hoàn thiện chính sách thì cơ chế chính sách ban hành sẽ bảo đảm toàn diện, tổng thể và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như toàn bộ xã hội. Chúng ta cần phải xác định rằng tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, các chủ thể liên quan và đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một vấn đề trong thời gian gần đây được đề cập rất rõ nét và được nhấn mạnh trong các diễn đàn khác nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nhận diện thách thức và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Nhận định về vai trò của doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi xanh, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng: Hiện nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland…
Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đều có cam kết về tỉ lệ xóa bỏ những thuế quan nhập khẩu đối với những nước tham gia Hiệp định có thể lên đến 100%. Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với những nước phát triển trong việc bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh về giá thành sản xuất từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn có lợi thế về giá nhân công thấp hơn, về chi phí năng lượng thấp hơn cũng như những tiêu chuẩn về môi trường.
Do đó, điều này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các nước phát triển. Họ dựng lên và áp dụng thêm hàng rào kỹ thuật, trong đó có liên quan đến những yếu tố như chất lượng hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc hay những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, từ đó hạn chế sản phẩm giá rẻ từ những nước đang phát triển. Với những mức thuế nhập khẩu tại các nước tham gia Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có thể về đến 0 phần trăm, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các DN Việt Nam muốn vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, song hành với quá trình này, các DN Việt Nam cũng phải quyết liệt đổi mới tư duy, dổi mới chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Nghĩa là phải lưu ý các yếu tố liên quan đến chất lượng hàng hóa và những tiêu chuẩn về môi trường và chúng ta phải tuân thủ luật chơi của các nước phát triển. Ở đây chúng ta phải tranh thủ những lợi thế quốc gia như chi phí nhân công vẫn đủ ở mức cạnh tranh được.
Để hỗ trợ các chương trình chuyển đổi của các DN theo hướng xanh và bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021-2030 cũng như Kế hoạch ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh đến năm 2030 có tính đến năm 2050. Các chương trình này nhằm hỗ trợ các DN chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên nhiên liệu, năng lượng cũng như tiến đến phát thải thấp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Qua đây, chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đến cộng đồng DN Việt Nam hãy nỗ lực, tích cực và kiên trì đổi mới, chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn đồng thời tiếp tục đồng hành và hưởng ứng, hỗ trợ những chương trình của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Ở góc độ doanh nghiệp, tại Tọa đàm, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam đã chia sẻ một số sáng kiến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Nestlé đã và đang triển khai. Theo ông Binu Jacob, Nestlé luôn đặt vấn đề phát triển bền vững ở tầm quan trọng, ưu tiên cao.
Đầu tiên là bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững. Ngành hàng mà chúng tôi hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là cà phê. Chúng tôi luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững.
Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, Nestlé đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp nông nghiệp tái sinh giúp giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40-60% lượng nước tưới.
Và Nestlé cũng tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả nhà máy của mình. Trong 3 năm vừa qua, Nestlé là một trong số ít những công ty ở Việt Nam nhận được chứng chỉ của tổ chức Water Stewardship cho những giải pháp tiết kiệm nước. Hiện nay chúng tôi thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa là hoàn trả và tái tạo 100% nước đã đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, có một sáng kiến nữa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đó là Nestlé cam kết phát triển bao bì bền vững. Hiện gần 95% bao bì của Nestlé tại Việt Nam đã được thiết kế để có thể tái chế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với kết quả đó, chúng tôi luôn muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu và mong muốn tìm kiếm được những cách thức để có thể tăng tỷ lệ tái chế.
Một sáng kiến nữa là Nestlé áp dụng các giải pháp năng lượng hiệu quả như năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, các giải pháp thu hồi nhiệt và sử dụng năng lượng hiệu quả…
Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng như UBND các địa phương để có thể đóng góp vào việc hiện thực hóa cam kết chung của Việt Nam về việc đạt Net Zero vào năm 2050.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Nestlé rất quan tâm tới việc khuyến khích lối sống lành mạnh.
Từ thực tế, nhận định về những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi xanh, ông Lê Việt Anh cho rằng: Chúng ta cần phải thừa nhận trong thời gian vừa qua, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Thách thức đó đến từ môi trường chung cũng như từ các doanh nghiệp. Nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh cũng cần phải củng cố trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ càng hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh. Tất nhiên, nội dung này cũng liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, tuyên truyền cũng như hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc sẽ được áp dụng, sẽ được ưu đãi về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Theo ông Lê Việt Anh, trong tiến trình tăng trưởng xanh, ngoài vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách thì tính chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Về phía cơ quan nhà nước xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan ban ngành phải nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Thứ hai, phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Thứ ba là tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình./.