
Bức tranh sáng màu của thị trường tiêu dùng kỳ vọng tăng trưởng 2 con số
Tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội trong tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025.
Theo đó, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay từ 8% trở lên. Mức này cao hơn kế hoạch Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp cuối năm ngoái khoảng 1-1,5% và 1 điểm phần trăm so với thực hiện 2024 (7,09%). Quy mô GDP 2025 đạt trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người hơn 5.000 USD nếu tăng trưởng kinh tế năm nay trên 8% như đề xuất điều chỉnh của Chính phủ.
Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (theo giá hiện hành) năm nay tăng 12% trở lên. Mức tăng trưởng 2 con số này của tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng hé lộ bức tranh sáng màu của thị trường tiêu dùng khi nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Nhu cầu tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khi tâm lý người dân dần phục hồi, kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao và hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn, giúp người tiêu dùng mua được nhiều hàng hơn với cùng một số tiền. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để kích thích tiêu dùng.

Tiêu dùng toàn xã hội, gồm phần lớn chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và tỷ trọng nhỏ hơn từ Chính phủ, chiếm trên 60% GDP. Việc kích thích tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vượt 8% trong năm 2025, làm tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong các năm tới của nền kinh tế nước ta.
Theo đó, để kích cầu tiêu dùng, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Cụ thể, theo dự thảo, sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định nêu trên từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Việc giảm thuế VAT có thể kích thích không chỉ tiêu dùng trực tiếp mà còn các ngành dịch vụ, bán lẻ, và sản xuất. Doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm và gia tăng sản xuất, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tập trung kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới
Tại Thủ đô Hà Nội, việc phát triển kinh tế sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ tới tăng trưởng của cả nước. Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố đang đẩy mạnh triển khai hoàn thành mục tiêu khu vực dịch vụ của thành phố phát triển nhanh đi đôi với hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng.

Đặc biệt, việc tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn… đẩy mạnh Chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được đẩy mạnh.
“Thành phố tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố; đẩy nhanh việc khởi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã có quyết định chủ trương đầu tư; Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại mới như mô hình Outlet, hệ thống máy bán hàng tự động…”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay.
Mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12% trong năm 2025. Theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho rằng lĩnh vực đóng góp đáng kể vào tổng mức tiêu dùng trong nước và có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới là thương mại điện tử. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng.
“Vì vậy, duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử khoảng 20% trong 5 năm tiếp theo là cần thiết để thúc đẩy GDP đạt mức tăng trưởng hai con số”, ông Nguyễn Anh Đức nhận định.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2025, Bộ Công Thương xác định các nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó là đảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, cụ thể là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu tác động từ biến động kinh tế bên ngoài. Phát triển hệ thống logistics thông minh, kết hợp kho bãi hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI); xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về cung-cầu và giá cả hàng hóa, giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết các đơn vị chức năng đang tập trung phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Nâng cao vai trò của các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong phục vụ nhu cầu tiêu dùng hiện đại, đảm bảo nguồn hàng đa dạng và chất lượng, đồng thời tăng cường kết nối cung-cầu, bảo đảm ổn định thị trường…
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để thúc đẩy tiêu dùng, cần thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, bao gồm các chính sách kích cầu, phát triển du lịch và quan trọng hơn cả là nâng cao thu nhập người dân thông qua việc phát triển các trụ cột khác của GDP như đầu tư và xuất khẩu.
“Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, chi tiết về tài chính, hỗ trợ những người mất việc tìm việc làm mới thông qua các chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó, cần tạo điều kiện cho người lao động mất việc có vốn và khả năng tự khởi nghiệp thông qua hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ./.