Thúc đẩy dòng vốn xanh để hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Nhằm cung cấp những thông tin chính sách huy động dòng vốn xanh ở Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm huy động dòng vốn xanh thành công từ một số doanh nghiệp, thúc đẩy nguồn vốn xanh, giúp hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh, sáng 10/9, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn “Hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”.
5257-z5814863116572-eb31fd021885c5f1459880c4f87aa6c5-1725946643.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn “Hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: Theo số liệu thông tin thiệt hại ban đầu tại một số địa phương do bão số 3 gây ra từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Quân khu 3 ghi nhận 22 người chết, mất tích; 229 người bị thương. Tỉnh Quảng Ninh thống kê có 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Có thể thấy, cơn bão Yagi là điển hình cho diễn biến ngày càng thất thường và khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, cũng cho thấy sự khốc liệt của thiên tai. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế, trong đó có các dự án xanh. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Cũng đến ngày 31/12/2023, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động và phát triển dòng vốn xanh cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vẫn gặp phải một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: Hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ; Chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; Hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế” - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh.

3551-z5814971806397-a06c0c8cd2a2e75ac2f6ff4bba9149a5-1725946582.jpg
Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân. Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động đủ các nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khối lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó vai trò đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân là hết sức quan trọng.

Trước bối cảnh trên, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt nhịp sản xuất xanh. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã thay đổi từ việc sử dụng nhiên liệu than trong sản xuất sang sử dụng chất đốt sinh thái như trấu, vỏ điều, viên nén mùn cưa...; hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, xây dựng dây chuyền sản xuất đá thiêu kết theo tiêu chí nhà máy xanh, với số vốn đầu tư gấp 4 lần theo tiêu chuẩn cũ...

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Lân đánh giá, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ, ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh ở Việt Nam, ông Lê Hoàng Lân gợi ý 3 nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính:

Thứ nhất, đối với nhóm tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh. Sớm xây dựng có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước.

Mặt khác, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh. Tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh.

1726-1725946807.jpg
Trang trại điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, đối với nhóm trái phiếu xanh, cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá một cách minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh.

Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán cần xây dựng lộ trình hoàn chỉnh và thống nhất cho các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, các bước chuẩn bị cho việc phát hành, nguyên tắc phát hành, cách hạch toán, thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn và sử dụng nguồn thu từ việc phát hành. Nâng cao năng lực để phát triển sàn giao dịch trái phiếu xanh.

Bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam cần đề ra chính sách ưu đãi nhất định nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu xanh, trong khi mức thuế đánh trên các công cụ nợ cao hơn có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu.

Thứ ba, xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến 2050. Để huy động được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức tín dụng tham gia vào tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam phải khuyến khích thúc đẩy môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chủ yếu gây phát thải như: năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn, doanh nghiệp có áp dụng quy trình tái chế trong quá trình sản xuất, bao gồm: nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu trong sản xuất, sản phẩm đầu ra có khả năng tái chế tuần hoàn.

Xây dựng các nhóm ngành khuyến khích, ưu đãi đầu tư như: các ngành sản xuất năng lượng tái tạo mới; nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng hydro sạch; giao thông vận tải xanh và logistic xanh; nghiên cứu ứng dụng các ngành sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch cho phương tiện giao thông vận tải; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ lưu trữ carbon; nghiên cứu ứng dụng các ngành sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sinh khối./.

Hương Lan