
Tại tỉnh Nam Định, nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959-1/4/2025), nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, diễn ra từ ngày 20/3 đến ngày 20/4/2025.
Chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng, khuyến khích người dân thực hiện các hành động thiết thực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời, kế hoạch cũng tập trung vào việc tái tạo nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế, phục vụ nghiên cứu khoa học, tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững, cũng như ngăn chặn hiệu quả các hành vi khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không tuân thủ quy định.
Theo đó, tại sông Hồng đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, lãnh đạo ngành tài nguyên, môi trường tỉnh cùng đông đảo cán bộ, nhân dân, tăng ni, tín đồ Phật tử trong tỉnh đã tham gia hoạt động thả con giống thủy sản xuống sông, hướng tới mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo Ban tổ chức, tổng cộng đã có khoảng 1 triệu con giống thủy sản các loại đã được thả.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành kinh tế thủy sản đặc biệt là phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương.
Những năm qua, ngành Thủy sản đã tích cực triển khai các nhiệm vụ của mình và đã đạt được kết quả nhất định, nguồn lợi thủy sản được bảo vệ, tái tạo phục hồi, quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản, phát triển sản xuất thủy sản ngày càng bền vững hơn.

Tại tỉnh Quảng Ninh, sáng 1/4, tại bãi tắm trung tâm Khu du lịch Tuần Châu (phường Tuần Châu), TP Hạ Long tổ chức chương trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thời gian qua, TP Hạ Long đã tập trung chỉ đạo phát triển ngành thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hiện nguồn lợi thủy sản ngày càng có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhất là tại những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt trong vùng lõi vịnh Hạ Long.
Năm 2024, sản lượng thủy sản của thành phố đạt gần 5.000 tấn, giá trị sản xuất đạt gần 800 tỷ đồng (chiếm trên 60% giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp). Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 5.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 850 tỷ đồng.
Tại lễ thả cá giống, các đại biểu và nhân dân đã cùng nhau ôn lại truyền thống ngành Thủy sản. Đồng thời tiến hành thả khoảng 200.000 con giống thủy sản, gồm các loại: Tôm sú, cá tráp, cá song, cá vược. Trong đó nguồn giống được ủng hộ từ các đơn vị, doanh nghiệp cơ sở kinh doanh giống chiếm khoảng 60%.
Tại lễ thả cá giống, các đại biểu và nhân dân đã cùng nhau ôn lại truyền thống ngành Thủy sản. Đồng thời tiến hành thả khoảng 200.000 con giống thủy sản, gồm các loại: Tôm sú, cá tráp, cá song, cá vược. Trong đó nguồn giống được ủng hộ từ các đơn vị, doanh nghiệp cơ sở kinh doanh giống chiếm khoảng 60%.

Tại tỉnh Sóc Trăng, Sở NN-MT tỉnh vừa phối hợp với UBND huyện Trần Đề tổ chức Lễ Mít tinh và thả 1,5 triệu con tôm sú giống về tự nhiên nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2025).
Hoạt động nhằm phục hồi tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, ghi nhận nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản và sự đóng góp tích cực của ngành thuỷ sản trong nền kinh tế của địa phương.
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN-MT Sóc Trăng, nhấn mạnh, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; tham gia xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư. Đặc biệt có một bộ phận người dân vươn lên làm giàu và góp phần rất lớn vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tổ quốc.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành thủy sản đang đối diện với nhiều thách thức, môi trường sống bị đe dọa, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác thiếu trách nhiệm. Đặc biệt là cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác, xuất khẩu hải sản của cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Phó Giám đốc Sở NN-MT Sóc Trăng, cho biết, để hành động bằng việc làm thiết thực, cụ thể, những năm qua, ngành thuỷ sản của tỉnh hàng năm thả về tự nhiên tại cửa biển Trần Đề khoảng 2 triệu con giống thuỷ sản, qua đó, góp phần phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, ngành Thủy sản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD – một kết quả ấn tượng trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Với mục tiêu xây dựng ngành thủy sản Việt Nam xanh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển bền vững, giảm khai thác và tăng nuôi trồng, ngành thủy sản cần tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực phấn đấu để sớm gỡ được thẻ vàng thủy sản của EC (Ủy ban châu Âu). Trong năm 2025, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng giống thủy sản và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản./.