Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh

Các mô hình thí điểm trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao không những làm tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân, mà đã giúp giảm phát thải ô nhiễm so với những mô hình truyền thống.
bai-2-metan-3-1729929742.jpg
Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Nông nghiệp là nguồn phát thải khí mê-tan (CH4) lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành năng lượng. Trong đó, nông nghiệp chiếm 40% lượng phát thải mê-tan toàn cầu. Khí mê-tan hình thành chủ yếu từ khí thải đường tiêu hóa của gia súc và phân bón (chiếm 32%) và từ việc nuôi trồng lúa nước (8%).

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân trong vùng.

Tháng 11/2023, Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích 1 triệu ha. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một đề án tổng thể, không chỉ hướng tới cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, mà còn định hình lại bức tranh tương lai của ngành lúa gạo Việt Nam.

Canh tác lúa giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến táisử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống...

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người nông dân thay đổi canh tác sản xuất, tạo ra hạt gạo chất lượng, tăng được lợi nhuận từ cây lúa mà còn góp phần làm giảm lượng phát thải kính nhà kính, bảo vệ được môi trường. Áp dụng cơ giới ngay từ khâu đầu vào, bà con nông dân sẽ chủ động trước những diễn biến bất thường của thời tiết, do đó từ vụ đông xuân 2023- 2024, 180 nghìn ha lúa thuộc đồng bằng Sông Cửu Long sẽ được ứng dụng cơ giới hóa theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

bai-2-metan-1-1729929808.jpg
Tháng 11/2023, Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. (Ảnh minh họa)

Với đề án này, tại nhiều địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân rất hưởng ứng, mong chờ. Là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, mỗi năm sản lượng lúa của tỉnh Kiên Giang đạt tới 4,3 triệu tấn, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh thực hiện đưa 60.000 ha vào sản xuất ngay từ năm 2024.

Chia sẻ về hiệu quả mà đề án mang lại, ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Chúng tôi đã có sự phân kỳ cụ thể cho các năm, năm 2024 chúng tôi xác định 60 ngàn ha lúa sẽ tham gia trong dự án này. Năm 205 Kiên Giang sẽ tham gia 100 ngàn ha và định hương 2030 chúng tôi sẽ tham gia với 200 ngàn ha để tổ chức sản xuất theo đúng định hướng của đề án, Kiên Giang cũng đã rà soát các vùng các khu vực các doanh nghiệp, Hợp tác xã sẽ đồng hành cùng Kiên Giang tham gia đề án

Các mô hình thí điểm trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao không những làm tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân, mà đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch…

Qua thời gian triển khai theo đánh giá ban đầu, mô hình canh tác lúa thuộc Đề án trong vụ Hè Thu năm 2024 tại TP. Cần Thơ đã mang lại những kết quả tích cực, như tổng chi phí đầu vào giảm 10-15%, trong đó lượng giống sử dụng giảm 2-2,5 lần, giảm 30% lượng phân bón, giảm 30-40% lượng nước tưới. Năng suất lúa của mô hình thí điểm đạt 6,13-6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha của mô hình đối chứng. Mô hình thí điểm đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch.”

bai-2-metan-2-1729929801.jpg
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải. (Ảnh minh họa)

Còn theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Lợi nhuận mô hình trồng lúa thí điểm trong đề án đạt 21-25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3-6,2 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định việc triển khai Đề án còn gặp những khó khăn, trước hết là do Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn; tiếp đến là các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ tham khảo.

Số hộ tham gia trong vùng tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp còn hạn chế,. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp của các địa phương chưa đồng bộ, cần tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Số doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư và bao tiêu sản phẩm còn hạn chế.

Để thúc đẩy triển khai Đề án bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài tại kỳ họp tháng 10/2024.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để chuẩn bị dự án đối với khoản vay 270 triệu USD đồng thời hỗ trợ thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nguồn vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2026-2030 đối với các hạ tầng chưa được đầu tư từ nguồn vốn WB, ADB và tiếp tục làm việc với WB và các nhà tài trợ để mở rộng khoản vay tiếp sau năm 2027 để bảo đảm đủ vốn cho triển khai toàn bộ Đề án đến năm 2030./.

Đông Nghi