Phát triển kinh tế xanh từ chính sách tới sự hình thành các trụ cột tăng trưởng xanh

Tại Việt Nam, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua thông qua các chủ trương, chính sách. Kinh tế xanh đã từng bước được định hình trong các lĩnh vực kinh tế xã hội tạo nên sự chuyển dịch bền vững của nền kinh tế.
kinh-te-xanh-viet-nam-1-1725585040.jpg
Tại Việt Nam, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua thông qua các chủ trương, chính sách. (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được đặc biệt quan tâm

Ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

Mục tiêu chung được Chính phủ đặt ra là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, có ba nhiệm vụ chiến lược được đề ra: Thứ nhất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thứ hai, xanh hóa sản xuất; Thứ ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng. Như vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh là một nội dung quan trọng trong đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

kinh-te-xanh-viet-nam-2-1725585101.jpg
Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh. (Ảnh minh họa)

Ngày ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Chiến lược đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo đó, mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với nam 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh “Xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sáng các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp”.

Tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về Công nghiệp 4.0 năm 2023 vào ngày 14/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường tăng trưởng xanh, cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Như vậy có thể thấy rõ chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi xanh đã rất rõ ràng, lộ trình bài bản và quyết tâm mạnh mẽ. Tuy nhiên các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày cang khốc liệt, phức tạp và khó lường, thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid 19… cũng là thách thức không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Những trụ cột tăng trưởng xanh được định hình

Về xếp hạng quốc tế, theo Chỉ số tăng trưởng xanh ấn bản năm 2023, Việt Nam xếp thứ 73/245 quốc gia và thứ 16/50 quốc gia ở châu Á, với điểm chỉ số là 56,44. Còn theo ấn bản năm 2023 của Chỉ số Tương lai Xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và chính sách khí hậu.

“Phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế mà còn là điều kiện bắt buộc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế. Tài chính xanh phải được coi là trụ cột quan trọng nhất, phải được lồng ghép, có chính sách liên quan đến thúc đẩy tài chính xanh”, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá.

Các tổ chức tín dụng cho vay phát triển các dự án xanh như nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và vệ sinh môi trường. Cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Phần lớn các ngân hàng đã có quy định về việc kiểm soát an toàn, bền vững khi tài trợ cho các dự án đầu tư, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

kinh-te-xanh-viet-nam-4-1725585135.jpg
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu được triển khai khá toàn diện tại Việt Nam.(Ảnh minh họa)

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, ngân hàng đã tham gia đầu tư vốn cho tài chính xanh từ nhiều năm nay: “Trong giai đoạn vừa rồi, ngân hàng tăng trưởng rất mạnh về tín dụng xanh, hiệu quả. Dư nợ cho tăng trưởng xanh khoảng 10.000 tỷ. Những khó khăn, thách thức là trong giai đoạn vừa rồi lãi suất khá cao, đa số đầu vào là ngắn hạn nhưng đầu tư cho tăng trưởng xảnh là dài hạn vì vậy ngân hàng phải cân đối nguồn vốn”.

Việc phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch và chiến lược phát triển từng ngành, lĩnh vực. Nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Thời gian tới, để phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng, hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh./.

Trọng Bình