Kết quả “ngọt”
Công tác chọn tạo giống cây trồng ở Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Hệ thống nghiên cứu của các trường gồm có Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 6 Trường Đại học chuyên ngành Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, chưa tính các Trường Đại học có Khoa Nông, Lâm nghiệp.
Đối với hệ thống nghiên cứu của các Trung tâm giống tỉnh, hiện có khoảng 50 trung tâm giống cây trồng, số trung tâm nghiên cứu chọn tạo giống không nhiều, chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và khảo nghiệm giống.
Các công ty lớn có các Viện nghiên cứu hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm như Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Thái bình seed, ADI, Lộc trời, Syngenta Vietnam, Công ty Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và hàng chục đơn vị, cá nhân tham gia chọn lọc.
Do đặc điểm sinh thái, vị trí địa lý trải dài, nền nông nghiệp Việt Nam cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Để đáp ứng nhu cầu giống cây trồng phục vụ sản xuất đa dạng, cần có các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống trọng điểm cho khu vực.
Hệ thống nghiên cứu của các Viện về nông nghiệp nói chung và giống cây trồng nông nghiệp gồm có 19 đơn vị thành viên thuộc Viện KHNN với 2.556 cán bộ, công nhân viên chức, 35% có trình độ Tiến sỹ và Thạc sỹ.
Nhập khẩu là chính
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm Việt Nam tốn khoảng 800 triệu USD để nhập giống cây trồng các loại, riêng năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu gần 300.000 tấn giống cây trồng, chủ yếu là rau, hoa và giống cỏ phục vụ chăn nuôi.
Hệ thống sản xuất giống ở nước ta tuy nhiều nhưng năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Các giống cây lương thực chính như lúa, ngô cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất. Với lúa, hơn 95% giống; ngô hơn 60% giống sản xuất trong nước và chất lượng bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa. Hiện, Việt Nam phải nhập khoảng 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù Việt Nam có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới.
Các chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào nhóm cây lương thực truyền thống như lúa, ngô. Nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, rau và hoa chưa được quan tâm đúng mức, một số đối tượng còn bỏ trống.
Mặt khác, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn, thiếu tính khả thi làm hạn chế tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới chọn tạo và phóng thích giống cây trồng nông nghiệp ra lưu hành. Các kết quả nghiên cứu về giống rau, hoa còn ít và nhất là công nghệ sản xuất hạt giống ưu thế lai với việc tạo ra các dòng thuần bố, mẹ và kỹ thuật sản xuất còn yếu kém, lợi thế cạnh tranh thấp.
Các kết quả nghiên cứu về giống rau, hoa còn ít và nhất là công nghệ sản xuất hạt giống ưu thế lai với việc tạo ra các dòng thuần bố, mẹ và kỹ thuật sản xuất còn yếu kém, lợi thế cạnh tranh thấp.
Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh, khu vực ĐBSCL, vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít, giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.
Công tác thanh tra kiểm tra về chất lượng giống trong thời gian qua mặc dù đã được Bộ NN-PTNT chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu do quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh giống chưa chặt chẽ; sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương thiếu thống nhất và hiệu quả. Tình trạng giống kém chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng; gây thiệt hại cho nông dân, cạnh tranh không lành mạnh; nhất là với giống cây ăn quả và cây công nghiệp.
Sản xuất theo tư duy thị trường
Do đặc điểm sinh thái, vị trí địa lý trải dài, nền nông nghiệp Việt Nam cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Để đáp ứng nhu cầu giống cây trồng phục vụ sản xuất đa dạng, cần có các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống trọng điểm cho khu vực.
TP Hồ Chí Minh với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đang có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm giống rau, hoa của khu vực phía Nam.
PGS.TS Dương Hoa Xô, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố có vị trí thuận lợi, nằm giữa vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ là hai vùng trồng trọt phát triển của cả nước. Trên địa bàn Thành phố có số lượng lớn các trường Đại học, viện nghiên cứu như Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và các trại thực nghiệm...
Các đơn vị khoa học này đã thực hiện nhiều đề tài và ứng dụng có kết quả vào thực tế. Nhiều bộ sưu tập giống như hoa lan, cây kiểng, rau các loại, cây dược liệu là nguồn gen phong phú cùng với phòng thí nghiệm, hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại phục vụ giúp công tác chọn tạo giống đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng tại thành phố khó tiếp cận được diện tích đất lớn để triển khai nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống và sản xuất giống.
PGS. TS Dương Hoa Xô nêu đề xuất “TP Hồ Chí Minh nên xem xét đầu tư một khu sản xuất giống cây trồng công nghệ cao từ 100 - 200 ha từ quỹ đất công của thành phố. Đồng thời, có cơ chế thủ tục đơn giản và ưu tiên về vay vốn và thuế mời gọi khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng đến đầu tư. Khu vực này sẽ phục vụ sản xuất giống đầu dòng, giống bố mẹ, giống lai F1 với các giống rau, hoa có giá trị. Cũng là nơi tiếp nhận các kết quả nghiên cứu về giống của các đơn vị như Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao hay các đơn vị khác để triển khai sản xuất giống thương phẩm, chế biến, bảo quản hạt giống”.
Đại diện Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long cho rằng, để nâng cao giá trị kinh tế giống cây trồng trong bối cảnh chuyển đổi sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, ngành nông nghiệp cần sắp xếp lại cách thức tổ chức sản xuất, đảm bảo tính kết nối giữa sản xuất và thị trường; trong đó, sản xuất giống cũng phải theo tín hiệu thị trường để có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Các cơ quan quản lý nhà nước nên định hướng, tạo điều kiện thông tin để các cơ sở sản xuất giống xác định loại sản phẩm nông nghiệp đúng nhu cầu thị trường và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống quảng bá, giới thiệu giống phục vụ đúng yêu cầu thị trường để mang lại giá trị xứng đáng của từng loại giống.