Vĩnh Phúc phát huy tiềm năng và thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Việc đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh 4.0 thực sự là nền tảng quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc có thể kỳ vọng phát triển mạnh nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.
1-43-1662629819.jpeg
Lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong ban hành chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ ngay từ khi xã hội chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Theo đó, nhờ việc ban hành chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã sớm liên kết với doanh nghiệp, HTX, hộ dân để thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ và đạt được những kết quả tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt là liên kết xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên cây lúa, cây rau, thanh long ruột đỏ với quy mô trên 200 ha.

Trên diện tích 10 ha trồng thanh long ruột đỏ ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch theo hướng hữu cơ cũng cho thấy, cây thanh long sử dụng phân bón hữu cơ có quả đẹp hơn, chất lượng dinh dưỡng cao hơn, độ ngọt cao hơn, quả cứng chắc và lâu hư thối...

Mô hình trồng nho Hạ đen theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Phạm Văn Quỳnh ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng huyện Yên Lạc cũng có rất nhiều ưu điểm. Đây là mô hình trồng nho Hạ đen lớn nhất Vĩnh Phúc được đầu tư bài bản, khoa học, với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt với diện tích 7.000 m2. Năm đầu sau khi trồng, giá trị sau thu hoạch khoảng 1,5 tỷ đồng và đến năm thứ 3 cho thu hoạch khoảng 3 tỷ đồng.

Cạnh đó, là mô hình sản xuất rau, hiệu quả càng thể hiện rõ, một sào sản xuất rau bắp cải hữu cơ ở Vĩnh Phúc thu lãi cao hơn so với đối chứng 22,5 triệu đồng/ha. Trồng cải thảo cho lãi cao hơn đối chứng 23,7 triệu đồng/ha.

2-nn-1646265095426-1662629819.jpeg
Nhân viên Tập đoàn Quế Lâm kiểm tra chất lượng lúa theo hướng hữu cơ tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Hà 

Đồng thời, các loại cải ngọt, cải xanh cho thu lãi cao hơn đối chứng 15,5 triệu đồng/ha... Tương tự, áp dụng quy trình này trên cây mướp, trong cùng một điều kiện canh tác, khi cây mướp được sử dụng phân bón hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao hơn sử dụng phân vô cơ là 14 triệu đồng/ha.

Hàng năm, Vĩnh Phúc cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 50 nghìn tấn rau củ quả, hơn 1.000 tấn gạo, 200 tấn thịt lợn được sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ sử dụng khoảng 3.300 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, qua đó giảm 1.500 tấn phân bón vô cơ và hơn 2.000 kg thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Đến nay, toàn tỉnh có 94 cơ sở đã được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, trong đó có 30 cơ sở trồng trọt, 60 cơ sở chăn nuôi, bốn cơ sở thủy sản. Một trong những mô hình nổi bật là cơ sở trồng nho Hạ đen tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên được đầu tư bài bản với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động và tưới nước nhỏ giọt. Những kết quả bước đầu đó là tiền đề quan trọng để mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong những năm tới.

Theo ông Trần Thanh Hải Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020-2022 và tiếp tục triển khai một số chính sách trước đó về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Năm 2021 vừa qua, toàn ngành tập trung mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm phục hồi môi trường sinh thái nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường. Đến nay, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét như thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch, rau su su huyện Tam Đảo, dưa lê huyện Tam Dương; sản xuất lúa gạo hữu cơ và chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng duy trì và mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ về trồng trọt, chăn nuôi đã có hiệu quả, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ”..., ông Trần Thanh Hải GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc thông tin.