Lai Châu tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp.
101-9-19-thanh-son-1662795333.jpeg
Nhiều nông dân liên kết sản xuất rau an toàn nâng cao giá trị nông sản.

Hiện Lai Châu đang ban hành các nghị quyết, quyết định về quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quy định chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và hoạt động khoa học, công nghệ...

Đồng thời, tỉnh chú trọng hỗ trợ bà con về cấp các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, để thay đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất.

Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả được quan tâm phát triển với quy mô lớn. Đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, như: vùng trồng cây cao su với trên 13.000 ha; vùng chè trên 6.000 ha.

Đặc biệt với nhiều cây trồng mới có tiềm năng phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao như cây quế đã có diện tích gần 6.000 ha; cây Sơn tra gần 2.000 ha; cây Mắc ca trên 1.800 ha. Cây ăn quả được quan tâm, chú trọng phát triển nhằm đa dạng hóa cây trồng tạo sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi một số diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai tích cực, tỷ lệ che phủ rừng hàng năm đều vượt kết hoạch đề ra, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, ý thức của nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt.

che-son-la-2-20211102122535344-1662795333.jpeg
Lai Châu hiện có vùng chè trên 6.000 ha theo hướng hàng hoá tập trung (ảnh ninh họa).

Lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm, có bước tăng trưởng khá, tổng đàn tăng hàng năm, hình thức chăn nuôi dần thay đổi từ thả rông không kiểm soát sang làm chuồng, dự trữ thức ăn và phòng chống đói, rét, dịch bệnh.

Đặc biệt, tiềm năng mặt nước và nguồn nước được khai thác và phát huy hiệu quả để phát triển thuỷ sản; thể tích cá lồng tăng mạnh, đạt trên 82.000m3. Các loại thủy sản có giá trị cao được đưa vào chăn nuôi và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, như: Cá hồi, cá tầm, cá lăng, cá chiên...

Trong những năm qua, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Lai Châu cũng đã nỗ lực trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ...

Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, việc phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế tất yếu nhằm đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản; kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc… Thông qua đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị công nghệ cao, từng bước đưa nền nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập với nền nông nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới.

Đến nay, tỉnh Lai Châu có trên 9.000 km2 tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 638.615 ha. Lai Châu còn là tỉnh có tiểu vùng khí hậu khác nhau và đây những lợi thế để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực như mắc ca, chè, quế, lúa, cây ăn quả, rau màu và cây dược liệu…

Tính đến hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,23%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn; chè búp tươi đạt 44.000 tấn; cao su đạt 8.571 tấn mủ khô; cây ăn quả các loại đạt 54.000 tấn; sản lượng thịt hơi các loại đạt 16.930 tấn; sản lượng thủy sản đạt 3.300 tấn; thảo quả đạt 1.700 tấn.