Làm nông nghiệp không thể cứ “trông trời, trông đất, trông mây…”

Trong chiếc hộp sơn mài đen có đựng 4 loại trà ngon nhất được hái từ những cây trà Shan Tuyết cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, gồm: Bạch trà, diệp trà, hoàng trà và hồng trà. Kèm theo đó là những lời giới thiệu được soạn bằng 3 thứ tiếng (Việt, Nhật và Anh).

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, giá trị sản phẩm của Trà Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của đồ uống, mà mang theo cả dư vị của thời gian, cả tinh tuý của đất, của người Mông nơi đây, cho nên càng uống càng đắm, càng ngấm càng say cái hương, cái tình, cái hồn núi rừng Suối Giàng, Yên Bái… Quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp đều nằm ở đây. Điều này rất đơn giản chứ không có gì phức tạp.

Nền nông nghiệp vốn thiếu thông tin và dữ liệu để điều hành, người nông dân sản xuất thiếu thông tin về thị trường, thị trường thì thiếu xuất xứ, nguồn gốc nông sản, đôi khi cơ quan quản lý cũng thiếu thông tin về cung-cầu. Không những vậy, nông nghiệp còn là nền nông nghiệp đánh đổi. Lâu nay chúng ta vẫn suy nghĩ bán được bao nhiêu, thu được bao nhiêu tiền, nông dân lợi nhuận bao nhiêu mà không tính chi phí đầu vào như thế nào. Một thời gian dài tập trung nâng cao năng suất đã khiến chúng ta đánh đổi môi trường sinh thái, cộng đồng, sức khỏe nông dân bị ảnh hưởng khi sản xuất không đúng quy trình. Điều đó đã gây hệ lụy kéo dài do một nền nông nghiệp không chuyên nghiệp, tự phát. Do đó, phải dựng lên, kiến tạo nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Mà muốn có điều đó thì phải có nông dân chuyên nghiệp, muốn nông dân chuyên nghiệp thì phải tri thức hóa người nông dân.

000302-1662865153.png
Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Nghĩa là người nông dân không thể làm theo kinh nghiệm mãi, không thể lúc nào cũng "trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm". Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường cạnh tranh khốc liệt, nếu sản xuất nghiệp dư sẽ không bảo đảm sự cạnh tranh bền vững, nếu có cũng chỉ thắng lợi trong một vài mùa vụ. "Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", nông dân là mắt xích đầu tiên của chuỗi ngành hàng, do vậy phải hỗ trợ nông dân chuẩn hóa được sản phẩm thì bán ra thị trường mới được giá.

Để làm được những điều đó, nông dân phải được trang bị kỹ năng, có tinh thần hợp tác với cộng đồng, biết dựa vào sức mạnh cộng đồng chứ không đi lên một mình, cùng nhau tham gia vào cộng đồng của nông dân, có thể bắt đầu từ hội quán, chi, tổ, hội nghề nghiệp để cùng chia sẻ, hướng dẫn nhau cách làm ăn. Bắt đầu từ đó, câu chuyện tri thức hóa đã hình thành. Ví dụ như ở Hội quán Đồng Tháp, giờ người nông dân đã thẩm thấu được câu: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng nhau đi.