Sâm đại hành có tác dụng gì?

Vốn chỉ là một loại tỏi mọc dại nhưng sâm đại hành lại được chứng minh có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe.
cu-sam-dai-hanh-1-1695783548.jpg
Sâm đại hành có tác dụng bổ máu, tiêu độc - Ảnh minh họa.

Sâm đại hành hay còn gọi là tỏi Lào, tỏi đỏ thường được phơi khô làm thuốc, còn được dùng làm rau xào ăn, nấu nước, ngâm rượu uống với những công dụng tốt cho sức khỏe. Vốn là loại cây ưa ẩm, ưa ánh nên thường phát triển ở các nước có kiểu khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Campuchia và Lào. Ở nước ta cây thường được tìm thấy nhiều ở các tỉnh như Hà Nội, Hà Tây, Nghĩa Lô, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh,…

Bộ phận sử dụng làm thuốc của cây sâm đại hành chủ yếu là phần rễ và thân củ. Cây thường phát triển từ 1 đến 2 năm. Vào mùa đông, khi thân cây tàn lụi, người dân đào lấy củ về, bóc bỏ những lớp ngoài rồi rửa sạch. Sau đó bóc tách những lớp bên trong ra, thái dọc, rồi đem phơi sấy khô để dùng làm thuốc.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, trong cây sâm đại hành có chứa các chất Eleutherin, Eleutherol, Isoeleutherin và một số hoạt chất có tác dụng tốt cho sức khoẻ. Tại Indonesia, sâm đại hành được dùng làm thuốc lợi tiểu, trị lỵ, viêm và sa trực tràng. Một số nơi còn dùng rễ củ giã nát đắp lên vết cắn của cá độc, sâu bọ, vết thương, nhọt. Rễ củ tỏi đỏ nướng, giã nát, xát vào bụng chữa đau bụng.

Trong các bài thuốc đông y, sâm đại hành có tác dụng bổ huyết, thông huyết, tiêu độc, sinh cơ, an thần... thường được dùng làm thuốc bổ huyết, giúp tiêu hóa, điều trị các chứng bệnh như ăn kém, khó ngủ, mụn nhọt, tổ đỉa, vảy nến, ho viêm phế quản, chấn thương ứ huyết, phong thấp đau khớp.

Sâm đại hành thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc uống, thuốc bột, nấu cao, chế thành viên, ngâm rượu hoặc dùng làm thuốc đắp ngoài da. 

Diễm Quỳnh