Yên Bái: Phát triển, mở rộng vùng trồng quế hữu cơ

Quế hiện là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái. Để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững diện tích quế, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang hướng đến hình thành vùng nguyên liệu sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Theo thống kê, Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất miền Bắc nước ta, với trên 81 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh, trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên (45,2 nghìn ha; chiếm 55,7% diện tích quế toàn tỉnh) và huyện Trấn Yên (19 nghìn ha; chiếm 23,4% diện tích quế toàn tỉnh); và phân bố không nhiều ở một số huyện như Văn Chấn (9 nghìn ha), Lục Yên (5,9 nghìn ha) và Yên Bình (2,1 nghìn ha).

que-1702374809.jpg
Sản phẩm quế vỏ được người trồng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Đây là quy trình công nghệ tách triết tinh dầu quế khép kín có sử dụng tác nhân là nhiệt độ bằng hệ thống nồi hơi, không sử dụng hóa chất hoặc các tác nhân khác.

Bên cạnh đó, còn có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, chủ yếu hoạt động theo phương pháp thủ công, sản lượng chế biến tinh dầu mỗi năm bình quân 300-800 kg/cơ sở.

Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 6.757 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ. Với sản lượng khai thác trung bình hàng năm khoảng 18.000 tấn vỏ quế, 85.000 tấn cành, lá để chế biến tinh dầu với sản lượng khoảng 600 tấn/năm và 200.000 m3 gỗ quế, các sản phẩm từ quế là một trong những sản phẩm chính tham gia vào thị trường xuất khẩu nông lâm sản của tỉnh Yên Bái.

Đến nay, các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Mỹ, Nga..

Huyện Văn Yên được xem là “thủ phủ” của cây quế tại Yên Bái, với diện tích trồng quế khoảng gần 52.000ha (chiếm hơn 55,7% diện tích quế toàn tỉnh Yên Bái). Cây quế được người Dao của huyện Văn Yên mệnh danh là "vàng xanh", cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào và cũng là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện.

Hàng năm, nông dân huyện Văn Yên xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000m3/năm; cây quế giống trên 150 triệu cây. Tổng doanh thu các sản phẩm từ quế năm 2022 của huyện, đạt tới gần 1.000 tỷ đồng.

Từ việc sản xuất quế hữu cơ, đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất quế hữu cơ đều có thu nhập cao, ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Tiếp đến là huyện Trấn Yên có gần 20.000 ha quế, diện tích trồng quế được phát triển tại 21 xã, thị trấn. Trong đó, diện tích tập trung chuyên canh theo hướng hữu cơ là 10.000 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước trên 3.200 ha. Sản lượng vỏ quế khô hàng năm 5.000 tấn, mang lại thu nhập cho người dân trên 400 tỷ đồng/năm. Huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.

Có thể thấy, chương trình trồng quế trên địa bàn huyện Trấn Yên đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo lập phương thức sản xuất hàng hoá trong cơ chế thị trường đối với người nông dân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, mở rộng giao lưu hàng hoá dịch vụ, thay đổi và nâng cao nhận thức về tư duy và trình độ canh tác cho người dân, cải thiện môi trường, giảm thiểu thiên tai trong vùng…

Để phát triển cây quế bền vững, ổn định và nâng cao giá trị các sản phẩm quế Yên Bái, trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái định hướng phát triển vùng trồng quế đến năm 2025 tại 5 huyện, gồm: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình với diện tích trên 80 nghìn ha. Tập trung phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quế. Phấn đấu diện tích quế tập trung chuyên canh toàn tỉnh đạt 35 nghìn ha, với 20 nghìn ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Yên Bái thâm nhập vào các thị trường phát triển, có thu nhập cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…/.

Bảo Minh (t/h)