Tăng cường tuyên truyền về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp xanh

Giữa dòng chảy thông tin thật - giả về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng, qua đó giúp nông dân và người tiêu dùng hiểu đúng, hiểu đủ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp một cách an toàn.
h1-1702044660.jpg
Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại toạ đàm.

Nhằm giúp người dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của ngành nông nghiệp và các khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngày 8/12, tại TP.HCM, Báo Kinh tế và Đô thị cùng Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng cũng như các yêu cầu khắt khe tại các thị trường lớn trên thế giới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp đang ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn của ngành nông nghiệp thì tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là trồng trọt và chăn nuôi vẫn diễn ra.

Qua toạ đàm với mục đích nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của ngành nông nghiệp. Muốn làm được điều này, cần phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trong đó tuyên truyền trên báo chí là rất cần thiết.

Trong khuôn khổ toạ đàm, ông Lê Văn Thiệt – Cục phó Cục BVTV đánh giá, thuốc BVTV có vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ước tính của tổ chức FAO, tổn thất mùa màng do các loài sinh vật hại cây trồng gây ra trên toàn Thế giới hiện nay là khoảng 40%. Như vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35 - 42%.

Nhiều năm qua, công tác BVTV ở nước ta luôn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch hại nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành trồng trọt.

Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành: sản xuất theo chuỗi liên kết hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn...phải sử dụng hài hòa giữa thuốc PBVC-HC, Th BVTVHH-SH. Vì vậy, phải gia tăng sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới.

ong-nguyen-van-son-vipa-1702085229.jpg
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc BVTV– VIPA

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc BVTV– VIPA khẳng định: “Thuốc BVTV là một trong các loại sản phẩm được đánh giá an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Theo đó, thời gian nghiên cứu cho một thuốc mới kéo dài, chi phí nghiên cứu rất tốn kém. Hiện nay, để có một thuốc BVTV mới, từ khi nghiên cứu đến khi giới thiệu ra thị trường, các công ty phát triển phải mất hơn 11 năm nghiên cứu với chi phí 283 triệu USD”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, thuốc BVTV là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Nguyên nhân là vì, khi nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV, người nông dân từ thăm dò sử dụng, đến ỷ lại, lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp BVTV khác. Họ tin, thuốc có thể giải quyết mọi vấn đề của BVTV.

Do lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật, nhiều mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã bộc lộ như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên, làm suy giảm tính đa dạng của sinh quần, gây xuất hiện các loài sinh vật gây hại mới.

Nhiều nghiên cứu khẳng định, thuốc BVTV không gây ung thư hay bất cứ bệnh nguy hiểm nào, nếu sử dụng đúng khuyến cáo. Các nghiên cứu trên công nhân nông nghiệp, gồm những người sử dụng thuốc BVTV, đều thấy, sức khoẻ của họ còn tốt hơn sức khoẻ của các nhóm dân số khác; tỉ lệ mắc ung thư thấp và sống sống lâu hơn những người không phải nông dân. Hiện nay, hầu hết các loại thuốc BVTV quá độc cho con người và môi sinh đã bị cấm và loại khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng ở Việt nam.

a2-1702044724.jpg
Toàn cảnh Toạ đàm: "An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”, chiều ngày 8/12.

Trong những năm qua, công tác truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông như báo, đài phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp khi đã kịp thời phổ biến tiến bộ kỹ thuật, bám sát, phản ánh nhanh chóng những mô hình sử dụng thuốc BVTV, những loại thuốc BVTV hóa học thế hệ mới và thuốc BVTV sinh học cho các cấp quản lý và bà con nông dân và cộng đồng.

Báo chí đã tích cực lan tỏa tri thức, kỹ năng có thể giúp nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Cụ thể, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất như: thiết bị bay không người lái chuyên dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật, các thuốc BVTV hóa học thế hệ mới và thuốc BVTV sinh học.

Giữa “cơn bão” thông tin thật – giả lẫn lộn, vai trò tuyên truyền của các báo đài là vô cùng quan trọng. Qua đó, định hình lại sự nhiễu loạn thông tin, giúp nông dân và người tiêu dùng có cái nhìn chính xác về vai trò của của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp./.

PV