Chuyển mình nhờ trồng keo
Trở lại khu vực miền núi Thanh Hóa khoảng 20 năm về trước, khi những cây trồng khác đã không hoàn thành “sứ mệnh” của mình trong việc tạo công ăn việc làm, giúp bà con vùng cao cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng miền. Khi đó cây keo được đưa vào trồng thí điểm trên diện rộng, với nhiều ưu thế vượt trội nên được xem là “đôi cánh” cho những ước mơ vùng cao bay xa.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, các địa phương đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng keo. Đây là cây trồng ít công chăm sóc, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt khi trồng cây rừng gỗ lớn còn giúp cân bằng hệ sinh thái rừng, giảm thiểu thiên tai. Chính vì vậy, chính quyền sở tại đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân “phủ xanh đất trống đồi trọc”.
Đáp lại lời kêu gọi của chính quyền sở tại, các hộ dân khu vực miền núi đã tích cực đầu tư mua tiền thuê đất, mua giống để trồng keo. Chỉ trong thời gian ngắn, những mầm xanh của keo đã bắt đầu khép tán, như khoác lên tấm áo mới cho những quả đồi đã “trần truồng” bấy lâu nay. Với đặc tính sinh trưởng và phát triển nhanh, từ 4 đến 5 năm có thể thu hoạch, nên chỉ sau một vụ keo, ước mơ vùng cao lại tiến thêm một bước.
Ông Hà Văn Diện 67 tuổi trú tại thôn Tân Quan (xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) nhớ lại: “Người dân chúng tôi sinh sống ở vùng núi cao theo kiểu du canh, du cư phát rừng trồng lúa. Nhưng từ khi được chính quyền vận động, tuyên truyền, bà con nhân dân đã an tâm tư tưởng, bám đất để sản xuất. Không còn xảy ra tình trạng chặt phá rừng để trồng lúa, trồng ngô.
Ngoài ra, chính quyền cũng nghiên cứu, đưa vào trồng thí điểm một số cây trồng như cao su, cà phê, và mía cho thu nhập cao. Đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện, từ chỗ đói ăn, bắt đầu có của ăn, của để. Thế nhưng, những cây trồng trên cũng chỉ được thời gian ngắn lại bước vào giai đoạn thoái trào, không đáp ứng được cuộc sống ngày càng khó khăn của bà con vùng cao”.
Khi những cây trồng chủ lực nêu trên đã không còn thời kỳ “vàng son”, cuộc sống bà con miền núi có thể quay lại điểm đầu xuất phát, thì cây keo được xem là phương án thay thế hợp lý và hiệu quả nhất để vực lại nền kinh tế nơi đây. Cũng từ đó, hàng nghìn héc ta keo được đưa vào trồng thay thế.
Với nhiều đặc tính vượt trột, nên chỉ sau một thời gian ngắn, đời sống bà con đã dần khởi sắc. Từ đó, người dân tích chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng keo. Đây là cây trồng ít công chăm sóc, nên sau khi trồng xong, các hộ dân có nhiều thời gian để đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.
Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “Địa phương là xã miền núi, đời sống bà con cực kỳ khó khăn. Nhờ trồng keo mà kinh tế của người dân từng bước được nâng cao, có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, nuôi con học hành”.
Ông Hà Văn Cương, trú tại thôn Tân Quang (xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) cũng là một trong những nông dân dám nghĩ dám làm. Cách đây 10 năm, do gia đình quá nghèo, ông phải vào miền Nam làm công nhân. Năm 2014, ông quyết định về quê lập nghiệp và thực hiện mô trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế. Theo đó, ông đã chuyển đổi những cây trồng những giống keo cho năng xuất cao.
“Trồng keo rất hay, vì công chăm sóc ít, nên người dân có thể chủ động làm việc khác được. Như nhà tôi, trồng xong keo, cả nhà lại đi làm công ty, đến thời kỳ phát chăm sóc thì về tranh thủ phát 1 đến 2 hôm, xong chờ đến 5 năm keo lớn lại thu hoạch. Cũng vì vậy, nên người dân làng tôi đều trồng keo hết”, ông Cương chia sẻ thêm.
Theo thống kê, hiện triên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 103.000 ha rừng trồng keo, chiếm 41,46% diện tích rừng trồng, tập trung chủ yếu tại các huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Lang Chánh và Vĩnh Lộc.
Năm 2023, Thanh Hóa khai thác hơn 820.000m3 gỗ, sản lượng gỗ trung bình đạt khoảng 80m3/ha/năm. Các giống keo chủ yếu mà người dân đang thâm canh như: keo tai tượng, keo lá tràm, keo lá liềm và các giống keo lai nuôi cấy mô. Các giống keo này đã khẳng định vai trò quan trọng trong phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất, chống xói mòn, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản. Rừng trồng keo đã mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các khu vực miền núi.
Hoang mang khi nhiều cơ sở thu mua đóng cửa
Trước thực trạng rừng keo phát triển rộng khắp tại các huyện miền núi, để thuận tiện cho việc thu mua, tiêu thụ gỗ keo, nhiều hộ kinh doanh đã vay mượn ngân hàng, đầu tư mua máy móc, tự ý lập xưởng để thu mua gỗ keo. Nhờ đó, mà giá trị gỗ keo trong những năm qua được giữ vững, những hộ trồng keo được lựa chọn bán cho những cơ sở thu mua giá cao.
Khi những cơ sở thu mua gỗ keo mọc lên, không chỉ giải quyết khâu tiêu thụ nguyên liệu, mà nó còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động miền núi. Đóng góp tích cực vào kinh tế chung của vùng, phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, nhiều cơ sở thu mua, chế biến keo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bị dỡ bỏ do chưa đủ thủ tục, hồ sơ. Dẫn đến tình trạng những hộ dân trồng keo gặp nhiều khó khăn khi cung đường vận chuyển nguyên liệu xa hơn, giá cả cũng phụ thuộc nhiều vào nhà máy.
Ông Vi Văn Tằng trú tại thôn Thạch Trung (xã Thạch Sơn huyện Thạch Thành) lo lắng: “Trước đây, khi cơ sở thu mua còn nhiều, chúng tôi không phải lo lắng trong khâu vận chuyển hay việc ép giá. Vì cơ sở này không lấy thì dân có thể chạy sang điểm thu mua khác. Nhưng giờ đây, hàng loạt các cơ sở thu mua đều phá dỡ, không biết mai này, cây keo trồng ra còn bán được không”.
Việc hàng loạt các cơ sở thu mua keo ngừng sản xuất, không chỉ ảnh hưởng đến người dân trồng keo, mà còn tác động trực tiếp đến hàng nghìn công nhân đang có công ăn việc làm ổn định tại đây. Đa phần những công nhân làm tại các cơ sở này đều thuộc hộ ít đất sản xuất, nên khi mất việc, họ chỉ biết bám vào những mảnh vườn nho nhỏ, kiếm sống qua ngày.
Ông Bùi Văn Sứ, chủ cơ sở thu mua gỗ keo tại xã Thạch Sơn (huyện Thạch Thành) chia sẻ: “Để phục vụ nhu cầu thu mua keo cho người dân trên địa bàn, tôi đã phải vay ngân hàng hơn 6 tỷ đầu tư trang thiết bị máy móc để sản xuất. Cở sở của tôi hoạt động được 12 năm, nhưng chưa có cơ quan nào nhắc nhở về thủ tục hay nguồn gốc đất, mãi đến cuối năm ngoái, tôi nhận được thông báo buộc tháo dỡ xưởng vì chưa đủ thủ tục hồ sơ. Còn chưa đủ như thế nào, thì tôi cũng không được biết”.
Theo tìm hiểu, những cơ sở thu mua keo buộc dừng hoạt động đa phần nằm trong vị trí gần khu dân cư, đường tỉnh lộ, xây dựng trên một phần đất ở. Số còn lại đa phần trên đất trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp. Tất cả các cơ sở này đều chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đây cũng chỉ nằm ở mức thô sơ, thiếu đồng bộ.
Tuy nhiên, những cơ sở này vẫn trăn trở khi họ đã có Giấy phép kinh doanh, tại sao vẫn bị coi là cơ sở “tự phát”? Họ thừa nhận trong quá trình kinh doanh khó lòng tránh được thiếu sót vì hiểu biết pháp luật chưa cao. Nhưng đây chỉ là thời gian để hoàn thành thủ tục về đất đai và phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, họ cảm thấy lo lắng khi phải ngừng hoạt động bởi điều này đồng nghĩa hàng trăm công nhân lao động mất việc, hàng trăm gia đình lại rơi vào khó khăn, máy móc bỏ không trong khi đầu ra cho gỗ vẫn cần được giải quyết.
Những năm qua, Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia. Phát triển kinh tế rừng theo hướng hiện đại, hiệu lực hiệu quả có sức cạnh tranh cao là nhiệm vụ then chốt, góp phần tăng thu nhập cho người dân, gắn với bảo tồn sinh học các hệ sinh thái rừng. Để nâng cao giá trị lâm sản, ngoài việc mở rộng diện tích cây trồng cần phải có lộ trình hài hòa giữa vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến. Khi đó, rừng trồng mới phát huy hết giá trị, là cây trồng “xóa nghèo” ở các bản vùng cao./.