Phát triển rừng theo hướng hiện đại
Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế rừng. Trải qua quá trình lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần quan trọng vào những thành tích chung của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025”, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực trung du và miền núi.
Ở một số địa phương, chính sách này đã dần được triển khai đi vào cuộc sống, giúp người dân cải thiện đời sống nhờ trồng keo và một số cây dược liệu khác, phổ biến nhất là khai thác du lịch sinh thái dưới tán rừng. Điều này giúp các chủ rừng chủ động được vòng quay tài chính trong ngắn hạn để tái đầu tư cho trồng rừng, nâng cao thu nhập.
Tại Thanh Hóa, thực hiện nghiêm chủ trương về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thầu khoán để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ rừng, phát triển hệ sinh thái rừng.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã giao được 597.707,3 ha/646.890,24 ha rừng và đất lâm nghiệp, đạt 92,22% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (trong đó, giao cho hộ gia đình, cá nhân 343.572,1 ha/65.975 hộ và nhóm hộ; giao cho cộng đồng 34.432,4 ha/651 cộng đồng; giao cho các tổ chức 219.702,75 ha/53 tổ chức); còn lại 49.969,8 ha rừng đang tạm giao cho 88 UBND xã, chiếm 7,78%.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 28.500 ha rừng được cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững FSC. Trên diện tích này có sự tham gia liên kết của 4670 hộ sản xuất, tăng hơn 3000 ha và hơn 534 hộ so với các năm trước. Thông qua quy trình sản xuất bền vững, các chủ rừng đã phát triển được 7 chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lâm sản với các nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng ban hành chính sách hỗ trợ làm đường nhằm đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ. Thúc đẩy phát triển các cụm liên kết chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu rừng trồng, giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm gỗ. Trong giai đoạn 2021-2023, Thanh Hóa đã hỗ trợ đầu tư nâng cấp, làm mới được 54,4 km đường ô tô lâm nghiệp tại vùng trồng rừng sản xuất tập trung.
Ghi nhận tại huyện Như Thanh, nơi có khoảng 37.257 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 14.685 ha, còn lại là diện tích rừng trồng. Trong những năm gần đây, để nâng giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, nhất là trồng rừng gỗ lớn, huyện Như Thanh đã và đang mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho bà con nhân dân.
Tuyên truyền để người dân hiểu được ưu điểm nổi bật của cây nuôi cấy mô như phát triển nhanh, đều, sinh khối gỗ cao hơn, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh thấp. Qua đó vận động chủ rừng đầu tư mở rộng diện tích trồng mới rừng và trồng lại sau khai thác bằng cây nuôi cấy mô.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng theo hướng thâm canh cho năng suất cao. Thực hiện đúng các nguyên tắc quản lý rừng bền vững, để sớm được Tổ chức Quản lý rừng bền vững Quốc tế (GFA) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Tiêu biểu như Công ty TNHH Sản xuất Lâm nghiệp Thảo Nguyên, trú tại thôn Hợp Nhất (xã Thanh Tân, huyện Như Thanh). Để nâng cao chất lượng lâm sản, công ty đã nghiên cứu, cấy ghép nhiều giống cây sinh trưởng và phát triển tốt như keo cành, keo Úc... sinh trưởng nhanh, có giá trị lâm sản cao, có sức chống chịu tốt trước gió, bão, rút ngắn thời gian thu hoạch.
Nâng cao giá trị lâm sản trên thị trường xuất khẩu
Để nâng cao giá trị lâm sản, những năm qua, ngoài việc chế biến, khai thác thô, tỉnh Thanh Hóa cũng thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ, đáp ứng các yêu cầu cao của thị trường ngoại.
Đến nay, các mặt hàng lâm sản xuất khẩu của Thanh Hóa, gồm: ván ép, ván sàn, dăm gỗ, đũa gỗ, đũa tre, gỗ keo ghép thanh, gỗ keo xẻ sấy... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines, Nhật Bản… Chỉ tính riêng năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản của tỉnh đạt trên 67,4 triệu USD. Trong đó, ván ép, ván sàn xuất khẩu đạt hơn 4,4 triệu USD, dăm gỗ đạt hơn 61,4 triệu USD. Còn lại là đũa gỗ, đũa tre, gỗ keo ghép thanh...
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp chế biến lâm sản cần tuân thủ nhiêm các quy tắc, hướng dẫn của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất cần đáp ứng đủ yếu tố bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính.
Đơn cử như Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, nằm trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân. Đây là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm ván ép xuất khẩu, với công suất khoảng 20.000m3 sản phẩm/năm, mỗi năm đơn vị thu mua khoảng 200.000 tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Theo lãnh đạo Công ty, để nâng cao giá trị sản phẩm, bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi, công ty đã chủ động tìm kiếm thị trường tại các nước tiềm năng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU… đây là những thị trường khó tính, ngoài việc đảm bảo đủ nguyên liệu ra thì Công ty còn phải chấp hành nghiêm về các quy trình chế biến, không vi phạm môi trường, nguồn nguyên liệu phải đảm bảo tính minh bạch. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty luôn ổn định, năm 2023, công ty sản xuất được hơn 20.000m3 sản phẩm ván ép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, doanh thu đạt 2,5 triệu USD, tạo việc làm cho 250 lao động.
Không chỉ có vậy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tận dụng phế phẩm lâm nghiệp như mùn cưa, vỏ cây để sản xuất than nén xuất khẩu. Qua đó, giúp các cơ sở chế biến lâm sản tận dụng tối đa nguồn lực rừng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Từ chính sách, cơ chế hợp lý, đã thúc đẩy cho ngành lâm nghiệp từng bước phát triển theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đưa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi lên một tầm cao mới./.
Bài cuối: Bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm không chỉ riêng ai