Nghệ An đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng

Hiện nay, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) tại Nghệ An đang được triển khai khẩn trương tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Dự kiến sau rà soát, diện tích đất có rừng trên toàn tỉnh là khoảng 962.230,49 ha, diện tích đất rừng trồng chưa thành rừng là 51.844,57 ha, độ che phủ rừng khoảng 58,36%.
rung-1681966453.jpg
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với 1.160.000 ha

Vào ngày 15/8/2014, tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND của UBND về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, có nhiều chương trình, dự án đầu tư, có sử dụng đất lâm nghiệp đòi hỏi phải bố trí, cân đối quỹ đất lâm nghiệp một cách hợp lý. Vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng và phát triển rừng chặt chẽ và bền vững là hết sức cần thiết.

Sau đó, ngày 19/6/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An đã ban hành công văn số 1450/SNN-KHTC về việc thực hiện nhiệm vụ rà soát rừng phòng hộ ít xung yếu gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 lọai rừng, điều chỉnh quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đoàn Điều tra Quy hoạch Lâm nghiệp đã phối hợp với các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng nhà nước và UBND các xã, tiến hành phúc tra lại quỹ đất lâm nghiệp gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 rừng trên địa bàn, thống nhất số liệu, tổ chức hội thảo.

Nhận thấy việc thực hiện rà soát 3 loại rừng là nhu cầu cấp thiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, kết hợp hài hòa giữa sản xuất lâm nghiệp với nông nghiệp. Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 381/SNN-KL ngày 22/2/2023 về việc Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch 3 loai rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố dựa trên căn cứ kết quả rà soát quỹ đất lâm nghiệp và 3 loại rừng năm 2019 đã được Sở NN&PTNT thẩm định để có cơ sở thống nhất, báo cáo UBND tỉnh và các Sở ngành liên quan.

Đến thời điểm này, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đang được triển khai khẩn trương tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Dự kiến sau rà soát, diện tích đất có rừng trên toàn tỉnh là khoảng 962.230,49 ha, diện tích đất rừng trồng chưa thành rừng là 51.844,57 ha, độ che phủ rừng khoảng 58,36%.

Các dự án phát triển kinh tế xã hội đang đầu tư và phát triển nhanh trong thời gian qua làm cho các quy hoạch trước đây không còn phù hợp. Do các tiêu chí đánh giá về đất Lâm nghiệp giữa Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường là khác nhau, nên số liệu báo cáo cho các đơn vị chủ quản là khác nhau, dẫn đến sự vênh nhau trong quản lý diện tích đất.

lam-nghiep2-1681962624.jpg
Việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng sẽ giúp Nghệ An quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng một cách bền vững và hiệu quả hơn

Nhận thấy việc rà soát và quy hoạch lại 3 loại rừng là cơ hội để điều chỉnh quy hoạch đúng theo thực địa sau thời gian xảy ra nhiều biến động, khắc phục tình trạng "trên hồ sơ một đằng, ngoài thực địa một nẻo”, cũng như sự không đồng nhất số liệu quản lý đất đai giữa các ngành nên gây khó khăn trong công tác quản lý như trong thời gian qua. UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở NN&PTNT cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị tham mưu để có số liệu đầu kỳ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) triển khai thực hiện các nhiệm vụ rà soát một cách cụ thể và thực chất, các địa phương phải chỉ đạo các xã thực hiện một cách chặt chẽ và phải tham gia trực tiếp vào quá trình rà soát, điều chỉnh, có đối chiếu cụ thể để tránh sai sót...

UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp phải tự rà soát những diện tích thuộc phạm vi quản lý để chuyển một số diện tích nằm gần khu dân cư, rừng trồng, đất canh tác của người dân đã sử dụng từ trước khi thành lập rừng đặc dụng, phòng hộ và đất rừng đơn vị không có nhu cầu sử dụng sang quy hoạch sản xuất hoặc đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng lâu dài, tránh xung đột, tranh chấp...

Quốc Cường