Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp ở Nghệ An

Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” là một dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khôi phục, phát triển và quản lý bền vững rừng ven biển. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau nên hiện tại tiến độ của Dự án ở tỉnh Nghệ An đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch.
b1-1-1665229107.jpg
Rừng ngập mặn tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang phát triển tốt

Dự án FMCR được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai tại 8 tỉnh, thành phố ven biển, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2023 với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 195 triệu USD.

Tại Nghệ An, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn của 38 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Diễn Châu, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Cửa Lò và thành phố Vinh. Dự án có tổng mức đầu tư 13,403 triệu USD, trong đó vốn IDA là 9,784 triệu USD, với đối ứng 3,619 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là khôi phục, phát triển và quản lý bền vững rừng ven biển tỉnh Nghệ An. Qua đó, góp phần tái cấu trúc ngành làm nghiệp và tăng cường khả năng chống chịu, tăng tuổi thọ và giảm chi phí xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đê biển và các công trình cơ sở hạ tầng vùng ven biển khác. Phát triển sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng ven biển thông qua hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban quản lý Dự án FMCR tỉnh Nghệ An, do quá trình thực hiện dự án có nhiều biến động về diện tích rừng so với thiết kế nên đã ảnh hưởng đến tiến độ; dịch bệnh Covid - 19 cũng tác động đến kế hoạch triển khai trồng rừng của dự án; thời gian thực hiện dự án đến năm 2023 sẽ kết thúc cũng gây khó khăn cho công tác trồng rừng; việc xác định đối tượng làm giàu rừng trên cạn bao gồm rừng trồng và rừng tự nhiên nghèo kiệt cần trồng bổ sung chưa rõ ràng nên không đủ cơ sở để UBND tỉnh phê duyệt; một số diện tích rừng ngập mặn đã thực hiện trồng năm 2021 bị chết và phát triển kém; việc xác định đơn giá cây giống gặp một số trở ngại làm ảnh hưởng đến việc cung cấp cây giống cho mùa vụ trồng rừng năm 2022.

Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) trong tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao ý nghĩa của dự án đối với địa phương trong việc thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển và quản lý bền vững rừng ven biển, tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng của vùng ven biển.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành dự án, đại diện UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ NN- PTNT, Ban Quản lý Dự án FMCR Trung ương tăng cường phối hợp với các ban, ngành của tỉnh tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

image-7214194-2832022-1665229187.jpg
Trong năm 2021, Nghệ An trồng mới được 28,83 ha rừng phòng hộ ven biển

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An mong muốn Bộ NN-PTNT sớm phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư và Kế hoạch tổng thể Dự án FMCR để điều chỉnh nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh tham gia thực hiện dự án, có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo; sớm có hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp lâm sinh trồng bổ sung trên đất rừng phòng hộ bị suy thoái để có cơ sở thực hiện; nghiên cứu báo cáo Ngân hàng Thế giới xem xét cho kéo dài thời hạn trồng rừng của Dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An sang năm 2023.

Đại diện Bộ NN-PTNT thống nhất với đề xuất của Nghệ An về tài trợ kéo dài thời hạn trồng rừng của Dự án đến năm 2026. Đối với vấn đề đơn giá cây giống, Bộ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở NN-PTNT, Ban Quản lý Dự án FMCR tỉnh phối với Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan để tìm cách tháo gỡ vướng mắc để không ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.

Quốc Cường