Ngày 08/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 741 xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp chính, đồng thời chia ra 32 nhiệm vụ cụ thể, cho từng lĩnh vực, qua đó phân công cho các sở, ngành, các đơn vị liên quan.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với trên 1,16 triệu héc ta, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Độ che phủ rừng năm 2022 đạt 58,36%, trữ lượng gỗ hiện có khoảng 91 triệu m3, trên 1,94 tỷ cây tre, mét, rừng có tính đa dạng sinh học cao…
Trong Hội nghị tổng kết công tác nông lâm nghiệp năm 2022 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các bên liên quan phải xem việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là một lợi thế, từ đó phải luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các chủ rừng phát huy nhiệm vụ chuyên môn; Phải xác định bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập lại góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.
Điều đặc biệt trong thời gian thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, rừng Nghệ An từ chỗ chưa có bất kỳ diện tích nào được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì đến nay đã có trên 15.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đồng nghĩa giá trị rừng đã được công nhận. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản nhờ đó tăng mạnh qua từng năm: Năm 2017 đạt 127,723 triệu USD; năm 2018 đạt 158,298 triệu USD; năm 2019 đạt 149,385 triệu USD; năm 2020 đạt trên 145,084 triệu USD; năm 2021 đạt 184,800 triệu USD; năm 2022 đạt 344 triệu USD.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW số vụ xâm phạm đến rừng có chiều hướng giảm rõ rệt. Theo số liệu thống kê, 5 năm qua các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng cộng 4.673 vụ vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng. Đã xử lý vi phạm hành chính 4.594 vụ, xử lý hình sự 79 vụ, truy tố xét xử 90 bị can, tịch thu hơn 6.033 m3 gỗ các loại cùng 1.713 con động vật. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 38 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017-2022, bình quân toàn tỉnh chỉ xảy ra 778 vụ/năm, giảm hơn 325 vụ/năm (giảm 30,12%) so với giai đoạn 2011- 2016, con số thực sự ấn tượng, cho thấy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Nghệ An đang đi đúng hướng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng, các nội dung của Chỉ thị đã được triển khai, thực hiện xuyên suốt, được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, chủ rừng và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tất cả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Để gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư về vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Song song với đó cần triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030./.