Thực hiện kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2024 và của Sở Công Thương về công tác an toàn thực phẩm lĩnh vực, Sở Công Thương chủ trì tổ chức Hội chợ tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn Hà Nội năm 2024. Hội chợ được tổ chức tại đường Hội Xá (phường Phúc Lợi, quận Long Biên).
Hà Nội tiên phong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Hà Nội đã tăng cường thông tin truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm; cũng như đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, kết nối cung cầu cho các đơn vị sản xuất xanh, hướng đến sự phát triển bền vững.
Cụ thể, hiện Hà Nội đã có trên 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; hơn 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; trên 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững theo từng lĩnh vực như: Dệt may, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực hàng không, phân phối bán lẻ... Trong đó, tiêu biểu phải kể đến các chương trình như: Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố Hà Nội; Hội chợ Tiêu dùng xanh - Sản phẩm an toàn Hà Nội năm 2024; Chương trình Tháng khuyến mại Thành phố…
Thông qua mạng lưới sự kiện, chương trình kêu gọi sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phát triển bền vững; thực hành lối sống “không rác thải” trong đời sống, sinh hoạt; xây dựng mô hình sản xuất bền vững qua thực hành sản xuất sạch, thiết kế sản phẩm bền vững, sản xuất các sản phẩm thông minh, không chất thải; sản phẩm xanh, tái sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn nhãn sinh thái.
Mang đến hội chợ các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như đũa, thìa… làm từ cây đước Cà Mau, chị Nguyễn Thị Vân, đơn vị chuyên phân phối sản phẩm xanh cho hay, với nguyên liệu được làm từ cây đước tại rừng trồng ngập mặn nên sản phẩm của công ty không sợ bị mốc, không nhuộm màu, đánh bóng; sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận an toàn cho người sử dụng. Đáng chú ý, sản phẩm của đơn vị có cả sản phẩm đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, hàng nông thôn tiêu biểu.
"Qua các kỳ hội chợ, công ty chúng tôi quảng bá rất tốt được sản phẩm của mình đến đối tác, khách hàng, nhiều đơn hàng được bán, đặt hàng ngay tại hội chợ", chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ.
Nói về xu hướng tiêu dùng xanh, chị Nguyễn Thị Vân cho hay, người tiêu dùng hiện nay rất tin dùng các sản phẩm Việt, đặc biệt là sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội trong việc kết nối, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm xanh đến gần với người tiêu dùng Thủ đô.
Ngoài việc tham gia hội chợ thì việc quảng bá, marketing sản phẩm của công ty còn gặp nhiều khó khăn khi mới chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, chưa ứng dụng được công nghệ vào việc bán hàng, do đó, thời gian tới, công ty cũng sẽ hướng đến việc bán hàng livestream, bán hàng qua mạng…
Tạo kênh kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng tại hội chợ xanh
Đem đến Hội chợ các sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vạn Long cho hay, phản hồi của người tiêu dùng Thủ đô đón nhận rất tích cực, người dân mua sắm hồ hởi. Người tiêu dùng rất hài lòng vì những sản phẩm các doanh nghiệp mang đến hội chợ xanh, tiêu dùng bền vững này có chất lượng rất cao, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền.
"Hôm nay tôi mang nhiều sản phẩm đặc trưng của Hà Giang là trà Shan Tuyết cổ thụ Hà Giang với nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ trà truyền thống đến ủ lên men. Sản phẩm trà của tôi mang về Hà Nội được tiêu thụ rất tốt. Riêng bánh trà shan tuyết chủ yếu chúng tôi dành xuất khẩu, vài năm gần đây mới tiêu dùng thêm ở trong nước. Dòng trà ủ lên men có mấy loại như bánh sống lên men 45%, còn các dòng bánh chín lên men hơn 90%,…", ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Đồng thời cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025, ngoài đơn đặt hàng của các công ty, chúng tôi có dự trữ sẵn một lượng hàng nhất định để bán cho bà con dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Hương (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên) thường xuyên mua sắm đồ đạc trong gia đình. Chị Hương cho hay, chị thường xuyên mua hàng tại hội chợ bởi chị yên tâm về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và đặc biệt đây đều là những sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành mang đến Thủ đô. Đến với hội chợ này, chị đã mua được ít thực phẩm sạch từ Hạ Long, Sơn La, đũa đước cao cấp Cà Mau…
"Dạo quanh hội chợ, tôi thấy các sản phẩm được bán ở đây đều là những sản phẩm xanh, có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được làm từ nguồn nguyên liệu chất lượng. Chẳng hạn như đũa đước Cà Mau không nhuộm màu, đánh bóng là điều tôi thích nhất. Đây là những vật dụng được sử dụng hằng ngày, liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên việc chọn lựa được tôi rất chú trọng", chị Hương chia sẻ thêm.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, việc tổ chức Hội chợ không chỉ hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng an toàn. Đây còn là cách để tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường, các mô hình thực tiễn về sản xuất, phân phối thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng bền vững góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng và góp phần thiết lập thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Bên cạnh đó, góp phần kết nối nguồn hàng đa dạng từ các tỉnh, thành phố, các đơn vị, vùng sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2025.
Thực tế, tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp "giải cứu trái đất" trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Minh Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu dùng xanh đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm./.