Vừa qua, thành phố Hà Nội tổ chức Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may-thời trang nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh của Thủ đô.
Hội chợ trưng bày của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội gồm làng lụa Vạn Phúc-Hà Đông; làng nghề may Vân Từ-Phú Xuyên; các làng thêu, may huyện Thường Tín; Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức và Khu trưng bày công nghiệp dệt may Hà Nội…
Theo Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, việc tổ chức sự kiện Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may-thời trang cho thấy thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.
Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp trong ngành dệt-may có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, hợp tác, liên kết với nhau tạo nên chuỗi cung ứng bền vững. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của thị trường để phát triển sản phẩm trong thời gian tới.
Trước đó, TP. Hà Nội đã tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội cho ngành chế biến nông sản, ngành gốm sứ , nhóm ngành Đồ gỗ mỹ nghệ - Nội thất , các sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội…
Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Để cùng nhau lan tỏa những hành động thiết thực để đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng xanh, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng kêu gọi cộng đồng xã hội, người tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô thống nhất nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về xu thế phát triển bền vững;
Bên cạnh đó, cần thực hành lối sống bền vững bằng thay đổi thói quen hàng ngày như đi lại, chế độ ăn uống và mua sắm để cùng đạt được mục tiêu "không rác thải". Hưởng ứng phong trào sống xanh, sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường;
Ngoài ra, cần xây dựng mẫu hình sản xuất bền vững qua thực hành sản xuất sạch, thiết kế sản phẩm bền vững, sản xuất các sản phẩm thông minh, không chất thải, sản phẩm xanh, sản phẩm có thể quay vòng, sử dụng lại bảo đảm tiêu chuẩn nhãn sinh thái…