Sáng ngày 11/4/, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025. Diễn đàn do Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chủ trì, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm đồng chủ trì. Tham dự diễn đàn có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và Liên hiệp HTX trên cả nước. Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững”
Sự kiện được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX gắn với phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về cơ sở xây dựng và phát triển bền vững chuỗi sản xuất xanh trong khu vực KTTT, HTX; giải quyết các vướng mắc của các HTX tại các địa phương nhằm tìm ra các phương thức hỗ trợ HTX phát triển hiệu quả mô hình sản xuất xanh vì sự phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh: “Các hợp tác xã đang ngày càng thể hiện vị thế trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển bền vững, cũng như trước áp lực về biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và yêu cầu hội nhập quốc tế, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng tất yếu”.
Cả nước hiện có trên 33.500 HTX hoạt động đa lĩnh vực. Riêng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có hơn 20,000 HTX, chiếm khoảng 64% tổng số HTX, với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng và Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách trọng điểm như: Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp, Nghị định 113/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật HTX và Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương về phát triển KTTT... Những chính sách này tạo nền tảng pháp lý và hỗ trợ thực tiễn để HTX phát triển bền vững, tiếp cận vốn, công nghệ, đào tạo, thị trường trong nước và quốc tế.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức cho các HTX. Yếu tố tiên quyết và cần thiết để HTX phát triển vững mạnh là gắn sản xuất nông nghiệp với kinh tế xanh. Để làm được điều đó, các HTX cần phải cải thiện tư duy, nhận thức và hành động theo hướng chuyển đổi sản xuất xanh.
Với mục tiêu biến Diễn đàn thành hoạt động thường niên, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam mong muốn sự kiện là không gian hội tụ các ý tưởng, sáng kiến để hợp tác xã, chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho KTTT.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và KTTT (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, chuyển đổi xanh là yêu cầu bức thiết, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.

Phần lớn HTX, THT có quy mô nhỏ nhỏ lẻ, vốn ít, doanh thu thấp, phạm vi hoạt động hẹp. Vì vậy, các HTX khó có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa phổ biến. Ngoài ra, khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX còn hạn chế; việc huy động nguồn lực của HTX còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng được cả về nhu cầu số lượng kinh phí và nội dung chính sách; chưa có gói tín dụng ưu đãi riêng cho KTTT, HTX.
Tại Diễn đàn, nhiều đại diện doanh nghiệp, HTX đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Theo bà, khó khăn hiện nay của nhiều HTX xuất phát từ việc thiếu vốn đầu tư ban đầu để chuyển đổi hạ tầng, thiết bị, chế phẩm sinh học; khó khăn trong tổ chức liên kết chuỗi và tìm đầu ra bền vững và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT HTX Nấm Tam Đảo, cho biết nghề trồng dâu nuôi tằm hiện cho thu nhập cao. Với mỗi 1 ha đất trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập bình quân 240-300 triệu đồng/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với các cây trồng khác. Lợi thế là dâu tằm có thể trồng được ở nhiều loại đất, nhiều loại địa hình như sườn đồi, ven bãi, đất cát pha. Và đặc biệt là mức đầu tư rất thấp, lại cho thu nhập thường xuyên chỉ với chu kỳ 15 ngày mỗi lứa, rất phù hợp cho người dân vùng núi.
Tuy nhiên, những khó khăn đang gặp phải là nguồn cung trứng tằm chất lượng chưa ổn định do phụ thuộc trên 90% vào nhập trứng từ Trung Quốc về Việt Nam, lại qua đường tiểu ngạch. Chính vì vậy, người dân vẫn còn e ngại về thị trường đầu ra mặc dù được HTX tuyên truyền, ký kết bao tiêu. Từ đó, việc vận động người dân tham gia HTX còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, để chuyển đổi xanh thành công, cần có một khung chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường. Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến khu vực KTTT, như Quốc hội đã thông qua Luật HTX năm 2023.

Tại HTX Đầu tư phát triển Sông Giá, từ năm 2021, HTX chọn mô hình nông nghiệp tuần hoàn xanh với 3 trụ cột: Tái sinh đất, tái chế phụ phẩm và tuần hoàn tài nguyên. HTX tự nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh BioSofix để ủ rác hữu cơ, xử lý bèo lục bình làm thức ăn cho trùn quế và tạo phân compost từng bước xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp không rác thải.
Cùng với đó, HTX đưa công nghệ số vào quản lý và truy xuất nguồn gốc, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, mở rộng ứng dụng trùn quế vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ đó từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Từ hành trình chuyển đổi, đại diện HTX đã đề xuất cần có gói tín dụng xanh dài hạn ưu đãi, hỗ trợ HTX đầu tư vào hạ tầng sản xuất tuần hoàn, hệ thống thống vi sinh, thiết bị tiết kiệm nước.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, để người nông dân không còn e ngại trong việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các cơ quan quản lý cần có thêm giải pháp xúc tiến hợp tác, kết nối thị trường tiêu thụ với các nước có thị trường tiềm năng, đồng thời tăng cường truyền thông để người dân yên tâm sản xuất và gắn bó với nghề.

Để HTX và các sản phẩm xanh có thể phát triển mạnh mẽ hơn, HTX rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các chính sách. Đặc biệt là trong các lĩnh vực như logistics, thuế phí, và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm xanh của HTX. Việc hỗ trợ về logistics sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo tính ổn định trong cung ứng sản phẩm. Chính sách thuế ưu đãi sẽ giúp các HTX giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu. Đặc biệt, một chương trình thương hiệu quốc gia cho sản phẩm xanh của HTX sẽ giúp nâng cao giá trị của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế và tạo dựng sự tin tưởng mạnh mẽ hơn từ người tiêu dùng toàn cầu.


Gần đây, trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân khẳng định vai trò kinh tế tư nhân, cùng với kinh tế Nhà nước và KTTT là nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực tự cường. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh hướng tới tăng trưởng bền vững về kinh tế, công bằng xã hội… Khu vực KTTT phát triển năng động, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống thành viên HTX.
Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng gợi mở một số giải pháp đối với các bộ, ngành, địa phương, liên minh HTX Việt Nam và các HTX. Trong đó, đối với các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo tinh thần kiến tạo, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mô hình KTTT; Bộ ngành địa phương triển khai hiệu lực, hiệu quả Luật HTX năm 2023, tăng cường nguồn lực, nhân lực để HTX chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh.
Với Bộ Tài chính, theo Phó Thủ tướng, Bộ có 4 nhiệm vụ gồm: Nghiên cứu chính sách hỗ trợ HTX; Tăng cường thúc đẩy tài chính xanh, thu hút đầu tư quốc tế; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong KTTT; Nhanh chóng ban hành quy định, quy trình về tín chỉ các bon.
Đối với Liên minh HTX Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị phát huy vai trò, đại diện nòng cốt hỗ trợ cho KTTT. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về khu vực KTTT, đặc biệt nâng cao năng lực, tăng cường phổ biến thông tin dịch vụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Đối với các HTX, Phó Thủ tướng yêu cầu cần chủ động vượt qua rào cản, vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên, chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức. Tăng cường đầu tư vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải. Phát triển HTX cần gắn với chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng. Xác định nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng nhân lực. Hình thành đội ngũ quản lý am hiểu chuyển đổi xanh, quản lý rủi ro về môi trường.