Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ 'điểm nghẽn' khơi thông dòng chảy nguồn lực

Luật Ngân sách Nhà nước, vốn được xem như "xương sống" của nền tài chính quốc gia. Trong bối cảnh mới, những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế-xã hội cùng với yêu cầu cấp thiết của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đã đặt ra những thách thức mới và đòi hỏi Luật ngân sách Nhà nước phải có sự thay đổi căn bản nhằm khơi thông những nguồn lực.
sua-doi-luat-ngan-sach-nha-nuoc-2-1744380386.jpg
Hội nghị thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, ngày 11/4.(Ảnh VGP)

Thách thức mới đòi hỏi Luật ngân sách Nhà nước phải có sự thay đổi căn bản

Ngày 11/4, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự án sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước. Tại đây, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, các chuyên gia kinh tế và đại diện các tổ chức quốc tế tập trung thảo luận và góp ý cho dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước.

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng phát biểu nhấn mạnh việc sửa đổi Luật là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính-ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, đồng hành cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc và thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hướng tới mục tiêu tăng cường xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.

Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả và minh bạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế-xã hội cùng với yêu cầu cấp thiết của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đã đặt ra những thách thức mới và đòi hỏi Luật ngân sách Nhà nước phải có sự thay đổi căn bản.

sua-doi-luat-ngan-sach-nha-nuoc-1-1744380468.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh VGP)

Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này được đánh giá là rất mở và linh hoạt. Cụ thể, việc sửa đổi Luật được thực hiện trên cơ sở quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu cao nhất là hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương đồng thời phát huy tính chủ động của ngân sách địa phương, như tạo điều kiện để các địa phương chủ động huy động, sử dụng nguồn lực cho các dự án đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tóm tắt những nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật NSNN, ông Vũ Đức Hội - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho hay, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm. Đó là, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, dự thảo rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Về phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách, dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN, tăng thẩm quyền cho UBND các cấp ở địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.

sua-doi-luat-ngan-sach-nha-nuoc-3-1744380509.jpg
Ông Vũ Đức Hội - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho hay dự thảo Luật NSNN (sửa đổi). (Ảnh VGP)

Việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng: bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, đồng thời mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau).... nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Dự thảo cũng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách.

Theo ông Vũ Đức Hội, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đã bỏ các thủ tục liên quan đến quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm và 3 năm; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Qua đó, tạo thuận lợi cho cả cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách, rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.

Nhận diện "điểm nghẽn" tập trung vào giải quyết các vấn đề then chốt

Điểm nhấn trong dự thảo Luật lần này là tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách Nhà nước. Cụ thể là trao quyền chủ động cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm với việc tối ưu hóa quy trình, như đơn giản hóa quy trình lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước đối với các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu.

sua-doi-luat-ngan-sach-nha-nuoc-5-1744380549.jpg
Bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU). (Ảnh VGP)

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung vào các vấn đề về phạm vi ngân sách Nhà nước. Nhiều ý kiến kiến nghị cần làm rõ các khái niệm liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; việc phân cấp, phân quyền phải đảm bảo sự chủ động của các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặc biệt, quy trình lập dự toán cần đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Riêng về phần trách nhiệm, các đại biểu nhấn mạnh dự thảo Luật xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc thực hiện các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo nên phân tích kỹ lưỡng tác động về kinh tế, xã hội và pháp lý của các sửa đổi, bổ sung đối với lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại hội nghị, bà Kristina Buendi, Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tăng cường hợp tác trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước. Bà Kristina cũng đưa ra cam kết EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án tăng cường năng lực quản lý tài chính công, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tạo điều kiện để Việt Nam xây dựng một hệ thống tài chính công hiệu quả, bền vững và thu hút đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong cả khu vực công và khu vực tư

Đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương tập trung vào việc đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và phù hợp với Luật Kiểm toán Nhà nước trong quá trình quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước cho các dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về nội dung quy định Quỹ dự trữ tài chính, ông đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa việc trích quỹ dự trữ tài chính theo dự toán và theo tỷ lệ 50% số dư cuối năm, nhằm đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong việc quản lý quỹ.

Đối với mức trích lập quỹ dự trữ tài chính, Phó tổng Kiểm Toán đề nghị Ban soạn thảo đánh giá mức tối đa quy định trong dự thảo Luật là cao so với thực tế sử dụng. Thay vào đó nên để Hội đồng Nhân dân quyết định cụ thể mức phù hợp hơn với tình hình từng địa phương. Ngoài ra, ông Khương cũng đề xuất các điều chỉnh liên quan đến thời hạn lập dự toán, thẩm quyền điều chỉnh dự toán của Bộ Tài chính, cũng như sự cần thiết của việc hài hòa các quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước với Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản pháp luật khác. Ông nhấn mạnh việc sửa đổi luật cần hướng đến mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời vẫn đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong quản lý ngân sách trên cả nước.

Bên cạnh đó, ông Trần Song Tùng-Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong cả khu vực công và khu vực tư. Ông cũng đề nghị mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ dự trữ tài chính và tăng thẩm quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc điều chỉnh ngân sách.

Đặc biệt lưu ý tới vấn đề số liệu, ông Tùng cho rằng khi có những nội dung liên quan đến tăng thu ngân sách thì cần có con số cụ thể, để địa phương dễ thực hiện và giảm thiểu những khó khăn phát sinh. Về lâu dài, đại biểu Ninh Bình đề xuất cần xem xét việc ra một hệ thống pháp luật thống nhất và hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng "bộ trong bộ" và "sở trong sở". Theo ông, cần một hệ thống có chung lãnh đạo chỉ đạo từ Trung ương. Ông nhấn mạnh rằng tài chính là công cụ hữu hiệu cho Đảng và Nhà nước. Do đó, dự thảo Luật cần phải chú trọng tới tính kế toán, vì phải tính được kinh phí.

sua-doi-luat-ngan-sach-nha-nuoc-4-1744380585.jpg
Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính-ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở Tài chính nhiều địa phương bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật NSNN, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mạnh mẽ, theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm". Đặc biệt là các nội dung đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, tăng sự chủ động cho các địa phương; phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong sử dụng ngân sách; tăng thẩm quyền cho UBND các cấp về điều chỉnh dự toán chi…

Theo các địa phương, dự thảo đã cập nhật, tháo gỡ nhiều vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn như gỡ vướng mắc về tạm ứng quỹ dự trữ tài chính, mở rộng nội dung chi của quỹ dự phòng ngân sách, bỏ việc lập kế hoạch tài chính 3 năm, bỏ quy định về giao số kiểm tra…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục, tăng tính linh hoạt cho địa phương và tạo điều kiện để các nhà khoa học, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án đổi mới sáng tạo.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ sẽ tiếp thu, rà soát và hoàn thiện dự thảo Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025./.