Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch cũng không nằm ngoài hướng đi chung. Để xu hướng trên có thể phát triển hơn nữa, Việt Nam đang và sẽ có một số yếu tố thuận lợi như: thu nhập của người tiêu dùng tăng cao sẽ có sự chú ý đến sức khỏe của mình nhiều hơn, sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm yên tâm về chất lượng, tốt cho sức khỏe; nền sản xuất phát triển cả về chất lượng, số lượng và phong phú về chủng loại, thân thiện với môi trường; các kênh phân phối cũng đang được phát triển đa dạng và hiện đại...
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nông sản đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất nông sản hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước. Việc sản xuất, canh tác hữu cơ tăng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong 5 năm gần đây đã giúp gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu với hơn 300 triệu đô la Mỹ/năm, đáp ứng thị trường nội địa và vươn xa tới thị trường khoảng 180 nước. Ngoài ra, nhận thức của người sản xuất cũng ngày một nâng cao hơn khi đã có sự chú trọng về áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý và đặc biệt là nhu cầu của khách hàng.
Hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như 33% ở Philippine, 34% ở Thái Lan, 60% ở Malaysia, 90% ở Singapore.... Trong khi đó, các kênh bán lẻ hiện đại có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm so với tốc độ khoảng 1% của chợ truyền thống. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp, nông sản Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch vẫn còn yếu. Thông tin thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thương mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu nước ngoài. Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch được phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, cần phải có những giải pháp căn cơ và sát sườn, ông Tiến nhấn mạnh.
Người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững. Các yếu tố quan trọng khi lựa chọn thương hiệu của người tiêu dùng là: Giá thành hợp lý, bảo đảm an toàn và vệ sinh, tốt cho sức khỏe, thương hiệu tin cậy, sự bền vững và thân thiện môi trường……
Đánh giá cụ thể từ nghiên cứu riêng về người tiêu dùng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bà Trịnh Nguyễn Ngọc Linh, Quản lý cấp cao Dự án Intage Việt Nam cho biết, 95% người tiêu dùng 2 thành phố lớn này có ý thức về việc bảo vệ môi trường; 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 61% ưu tiên tận dụng ánh sáng tự nhiên nhiều nhất có thể, 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết… Nghiên cứu này cũng chỉ ra các phân khúc người tiêu dùng nhận thức về tiêu dùng xanh, trong đó 24% cho biết sống xanh để tiết kiệm, 22% tiêu dùng xanh để tập trung cho sức khỏe; 9% đồng hành với trào lưu…
Trước xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn, đặc biệt là sản phẩm hữu cơ với doanh số tại Việt Nam đạt 208 tỷ USD năm 2022, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người sản xuất sạch thấy được giá trị của việc sản xuất theo tiêu chuẩn, người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản sạch; đặc biệt cần nâng cao năng lực sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường…