Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố có 2 di tích cấp Quốc gia, gồm Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Hải Vân Quan. Riêng các khu vực: Khu dự trữ thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Khu bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân hiện chưa được công nhận di sản thiên nhiên theo quy định.
Một số địa phương, ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý các khu vực trên chưa nắm rõ các quy định cũng như khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trung ương và địa phương, đảm bảo nguồn lực để thực hiện điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo yêu cầu thực tiễn. Do đó, việc nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị của di sản thiên nhiên và triển khai hiệu quả các quy định về quản lý và bảo vệ di sản thiên nhiên là vô cùng cần thiết.
Thời gian qua, trong việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, thành phố ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường và chú trọng công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Liên quan đến nội dung của Đề án này, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học.
Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ, chương trình thuộc Đề án về bảo tồn đa dạng sinh học thành phố đến năm 2021 - 2030, tập trung triển khai thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, bảo tồn đa dạng sinh học biển; Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái rừng để giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính; ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác thực vật, động vật và phá rừng trái pháp luật, tăng cường năng lực phòng, chống cháy rừng, giảm số vụ và diện tích rừng bị cháy.
Theo đánh giá của Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và những văn bản hướng dẫn Luật đã quy định nội dung về đối tượng di sản thiên nhiên, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên để thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường, kết nối các thành phần môi trường phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn quốc, qua đó, giải quyết, ngăn chặn nguy cơ mất cân bằng, vượt ngưỡng chịu đựng của các hệ sinh thái, suy giảm giá trị của cảnh quan thiên nhiên; lấp khoảng trống trong quy định của pháp luật hiện hành về quản lý các tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đến thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 lần đầu tiên đưa vào nội dung quản lý và bảo vệ môi trường di sản.Theo đó, tại điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nhấn mạnh đến nhiệm vụ điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên bao gồm điều tra, đánh giá định kỳ 05 năm một lần và hoạt động điều tra, đánh giá khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, cần cập nhật diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn theo tiêu chí xác lập, công nhận di sản thiên nhiên.
Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội có tác động xấu đến môi trường di sản thiên nhiên; hoạt động khai thác, sử dụng các giá trị tài nguyên, dịch vụ hệ sinh thái của di sản thiên nhiên; Hoạt động phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên; thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên được thực hiện theo quy định: Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng lõi của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng đệm của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng hạn chế phát thải theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái phải được cải tạo, phục hồi; Các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn; dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên của di sản thiên nhiên phải được duy trì, phát triển và sử dụng bền vững;
Các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được điều tra, đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm kê, báo cáo theo quy định; Tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát các tác động tới môi trường, đa dạng sinh học di sản thiên nhiên theo quy định tại Nghị định này, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định của các điều ước quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết.
Vì thế, trong thời gian tới các ngành chức năng thành phố cần điều tra, đánh giá và cách xác định di sản thiên nhiên như: xác định các thiệt hại về hệ sinh thái, loài và phục hồi hệ sinh thái, loài (nếu có) trong các dự án của thành phố; thực hiện quy định về kiểm kê, đánh giá vốn tự nguyên (xác định dịch vụ hệ sinh thái, tài nguyên nước, rừng...) trong phạm vi khu vực thuộc quản lý của thành phố; thực hiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đồng thời, lồng ghép nội dung bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch ngành và các chiến lược, chương trình phát triển của ngành; quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên các khu vực di sản thiên nhiên hoặc quy hoạch di sản thiên nhiên trên địa bàn thành phố.