Cát Tiên - Một vùng xanh hiếm hoi của một khu bảo tồn thiên nhiên

Cuối tuần, Nguyễn Tường gợi ý đi vườn quốc gia Cát Tiên, khu này nằm ở thượng nguồn hồ thủy điện Trị An, giáp ranh ba tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Nghe nói đến rừng, đến vườn quốc gia, tôi hào hứng tham gia.
cat-tien-12-1639529936.jpg
Nét hoang sơ vẫn hiện diện ở rừng quốc gia Cát Tiên

Sinh ra, lớn lên ở chốn quê nghèo, ngoài đồng ruộng, vào vụ giáp hạt quê tôi có thêm nghề lên rừng hái củi. Với những người dân vùng bán sơn địa, rừng là một phần của đời sống, một phần của tuổi thơ và hơn thế là một phần của tương lai. Sự nghèo nàn không gian, nghèo nàn cây xanh, nghèo nàn sự trong lành của bầu không khí khiến tôi nhớ những cánh rừng âm u rộn ràng tiếng chim kêu vượn hú vào mỗi buổi sáng.

Sau mấy giờ từ Sài Gòn, đến Nam Cát Tiên, vượt sông Đồng Nai, băng rừng đến với thảm thực vật nơi đây mới thấy không uổng. Rừng Cát Tiên còn khá nguyên vẹn, một số loài động vật quý hiếm đã biến mất khỏi rừng nhưng vẫn còn đó rất nhiều loài động vật hoang dã mà con người kịp dang tay cứu vớt chúng.

Việc hình thành khu vườn quốc gia gắn với tên tuổi cụ Phạm Văn Đồng, người đang giữ kỷ lục 33 năm làm thủ tướng. Năm 1978, cụ Đồng ký quyết định thành lập khu bảo tồn này. Theo đó, Vườn quốc gia Cát Tiên được chia thành 2 khu vực: Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên. Khu vực Cát Lộc phía bắc Cát Tiên cũng được bảo tồn do ở đây có loài tê giác Java sinh sống. Chính nhờ loài tê giác đã làm khu bảo tồn này được cộng đồng thế giới quan tâm.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Cát Tiên cho biết: Ở Cát Tiên, Tê giác chỉ còn một con, đó là quan sát của người Việt, nhưng với các chuyên gia nước ngoài thì từ ngày 25/10/2011, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế công bố loài tê giác Java đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam.

Một cuốn hút khác của rừng Cát Tiên là sự tồn tại của đàn bò tót khổng lồ nặng hàng tấn, với số lượng khoảng 70 con, hiện cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng cao do bị săn bắn trộm và mất chỗ ở vì rừng bị chặt phá. Năm 1998, ba khu này được sáp nhập thành vườn quốc gia.

Thánh địa Cát Tiên ở bên sông Đồng Nai là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ được phát hiện từ năm 1985. Việc phát hiện những di chỉ có niên đại hàng ngàn năm giữa rừng này đang đặt ra dấu hỏi có một nền văn minh cổ đã tồn tại ở đây.

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, khu vực này bị chất độc da cam của quân đội Mỹ hủy hoại nặng nề. Những khu vực bị rải chất độc da cam ngày nay chỉ có các loại tre, cỏ mọc, không có các loại cây lớn. Ngoài ra, các dân tộc sinh sống quanh rừng đã đốt, phá rừng để làm nương rẫy gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự đa dạng sinh học của rừng.

Mấy chục năm lầm lạc, nền kinh tế đi vào ngõ cụt. Vì mưu sinh, người Việt đã tàn phá thiên nhiên không thương tiếc. Nay đời sống khá giả, có chút của ăn của để mới nhận thức được rằng, đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng, thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước.

Ts Nguyễn Quang Dương, một chuyên gia về lâm nghiệp cho biết: Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích hơn 820 cây số vuông, lớn hơn đảo Phú Quốc. Với diện tích ấy, nếu được bảo quản tốt sẽ là không gian lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên có dịp khám phá và trải nghiệm.

Cám ơn những chính sách kịp thời của Chính phủ, cám ơn những người đang trực tiếp bám rừng, nỗ lực không ngừng để bảo vệ quản lý nguồn tài nguyên quý giá còn sót lại để những đứa trẻ sinh ra ở thành phố còn có cơ hội biết đến rừng!./.

Phan Thế Hải