Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập từ năm 1999 với diện tích được giao quản lý là 17.171,03 ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng là 16.982,6 ha nằm trên địa bàn 9 xã thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, hệ thống thảm thực vật ở đây hiện có 1.109 loài trong đó có rất nhiều loài quý hiếm và đặc hữu.
Quá trình điều tra, đánh giá đa dạng sinh học đã phát hiện được 4 chi mới cho khoa học và 7 loài cây lá kim rất đặc trưng hiện đang được quan tâm bảo tồn ở Việt Nam. Cùng với đó là sự phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát)... có tổng số 84 loài thú (gồm cả 24 loài dơi), 162 loài chim, 55 loài cá, 28 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Khu hệ côn trùng tại Pù Luông có ít nhất là 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn, trong đó có 12 loài thân mềm có thể là đặc hữu cho khu vực. Khu bảo tồn này là nơi cư trú của báo gấm, beo lửa, Hiêu sao, gấu ngựa, sơn dương, voọc quần đùi trắng.
Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan mang đặc trưng, được ví là Tây Bắc thu nhỏ với những ruộng bậc thang, các làng bản dân tộc thiểu số ven suối, dãy núi đá vôi hùng vĩ, nhiều hang động kỳ bí, hoang sơ, hấp dẫn. Bên cạnh đó là bản sắc văn hóa lâu đời và đậm đà của đồng bào Thái, Mường vùng thượng nguồn sông Mã, từ phiên chợ Phố Ðòn rực rỡ muôn màu thổ cẩm cho đến những điệu múa xòe, hát lượn, nhảy sạp duyên dáng, hay những món ăn truyền thống tươi ngon hấp dẫn.
Thời điểm thăm quan Pù Luông đẹp nhất là bắt đầu vụ lúa mới từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chịu hoặc du khách có thể đến Pù Luông vào tháng 9 và tháng 10, hai tháng này là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” này thu hút khách du lịch Pù Luông ngắm lúa chín nhất.
Được biết, thời gian qua Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đang xây dựng Đề án “Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giai đoạn 2022-2030”. Sau khi đề án được phê duyệt, đơn vị sẽ đưa điểm, tuyến du lịch đỉnh Pù Luông, tuyến Kho Mường đi Pốn Thành Công - thác Hiêu... vào khai thác. Việc đa dạng hóa các loại hình du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên trong phát triển du lịch.
Những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng văn hóa độc đáo đã góp phần thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế và du lịch không chỉ ở địa phương mà còn trong toàn vùng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng của năm 2022 huyện Bá Thước đón 60.452 lượt khách du lịch, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế 3.201 lượt.
Nhằm bảo vệ những giá trị tài nguyên trong phát triển du lịch sinh thái bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3392/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông giai đoạn 2021-2030 tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước.
Theo đó, mục tiêu của phương án nhằm bảo vệ hiệu quả trên 16.400 ha rừng tự nhiên hiện có; duy trì độ che phủ rừng đạt trên 97,7% và nâng cao khả năng phòng hộ đầu nguồn sông Mã Đồng thời, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo tồn, gìn giữ, phát triển nguồn gen 58 loài thực vật, 47 loài động vật đặc hữu, quý, hiếm, loài ưu tiên bảo vệ có trong Sách đỏ Việt Nam và các Hiệp ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Duy trì diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng 16.706,88 ha, đảm bảo kinh phí thu được hàng năm khoảng 300 triệu đồng; tạo nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.