Bộ Công Thương đã chuẩn bị sẵn sàng các nội dung sẽ trao đổi với phía Mỹ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ sẽ sang Mỹ để trao đổi nhiều nội dung liên quan trực tiếp việc áp thuế đối ứng của Mỹ.
z6474866338330-1d62a663acce9c090832dfe154b07fc0-1743812177.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý I/2025. Ảnh Hương Lan.

Theo sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 2/4 theo giờ địa phương, từ ngày 5/4 tới, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và áp các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia khác từ ngày 9/4/2025, trong đó có áp thuế 46% đối với Việt Nam.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này.

Trao đổi về vấn đề này tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý 1/2025, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết: Việt Nam rất quan ngại về quyết định trên của Hoa Kỳ. Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì và nhất quán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ, với WTO đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Bởi Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế có cơ cấu bổ sung cho nhau, cạnh tranh không trực tiếp với Mỹ mà cạnh tranh với nước thứ ba, giúp người tiêu dùng Mỹ được sử dụng hàng hóa với giá hợp lý.

Mức thuế MFN trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do vậy, việc Mỹ đang đánh giá Việt Nam áp mức thuế 90% lên hàng hóa của Mỹ và Mỹ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại, xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững giữa hai nước.

"Bộ Công Thương mong muốn Mỹ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm các cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo các lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại… phù hợp với lợi ích của cả hai nước", ông Linh nhấn mạnh.

Về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới, theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài,  xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các Bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.

Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời là cơ hội thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

1944-1743757110-1200x0-1743812177.jpg
Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng để đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng. (Ảnh minh họa)

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, ông Linh khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường.

Đồng thời cần chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA, và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại. Các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.

Về phía Bộ Công Thương, ông Linh cho biết, sẽ tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam. Bộ cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, cần bình tĩnh bởi nếu đánh giá về tình hình theo hướng tiêu cực sẽ chưa trọn vẹn. Cơ quan quản lý sẽ có giải pháp kịp thời, phù hợp nhất, hài hòa lợi ích cả hai bên trước khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực.

Ngay sáng ngày 3/4, sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế trên để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang thu xếp cuộc điện đàm ở cấp Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), và Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng trao đổi với Bộ Tài chính về việc sẵn sàng các phương án để triển khai, phối hợp. Bởi để đàm phán với Mỹ, không chỉ riêng một bộ, mà phải có sự phối kết hợp của rất nhiều bộ, ngành. Về thị trường, chủ trương xuyên suốt là phải đa dạng hóa thị trường, “trứng không bao giờ để chung một giỏ”, đầu tư như vậy và thị trường cũng vậy, luôn đa dạng hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng khẳng định, trước tác động của thuế đối ứng, ưu tiên tập trung lúc này là bàn thảo giải pháp để ứng phó. Do đó, các mục tiêu tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư... sẽ chưa được bàn đến và chưa thay đổi mục tiêu nhập khẩu hay tăng trưởng đã đặt ra. Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, là chưa bàn đến việc thay đổi mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu, nhập khẩu với tinh thần bình tĩnh nhìn tổng thể và toàn diện./.

Đông Nghi