Khi người phụ nữ làm “trụ cột” gia đình bài 1: Nữ Chủ tịch Hội Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà

“Là người năng nổ, nhiệt tình trong công tác xã hội, đưa Hội phụ nữ xã Thanh Sơn luôn dẫn tốp đầu của Thị xã và bản thân được tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Mặc dù, công việc bận rộn, chị vẫn luôn đảm nhiệm tốt công việc gia đình, lo toan kinh tế để trở thành hộ gia đình tiêu biểu của xã…” - đó là ý kiến của ông Trần Văn Xuân (Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nhận xét về chị Nguyễn Thị Cúc (SN 1978) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Sơn.

Nữ cán bộ hết mình với công tác hội

Năm 20 tuổi, sau khi hoàn thành khóa học nghiệp vụ sư phạm, chị Cúc về công tác tại Trường Tiểu học xã Thanh Sơn. Đầu năm 2000, chị lấy chồng và cuối năm sinh con đầu lòng, sau đó, thời gian ngắn thì chuyển sang làm việc tại UBND xã Thanh Sơn và đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) xã Thanh Sơn. 

anh-1-hpn-sao-chep-1682661370.jpg
HPN xã Thanh Sơn tặng quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Nhớ lại thời gian đầu chuyển sang công việc mới, chị không khỏi bỡ ngỡ và nhiều lo lắng, là cán bộ trẻ lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xã hội nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng rồi bằng nỗ lực bản thân, được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương và các hội viên nên công việc dần vào nề nếp.

Chị Cúc chia sẻ, làm công tác phong trào tuy vất vả, nhưng có những niềm vui riêng. Như mỗi lần đi xin ủng hộ cho những gia đình hội viên nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, chưa bao giờ dễ dàng cả vì bây giờ người dân cũng đi làm công ty, nên ít thời gian ở nhà dẫn tới khó gặp, có nhà phải đi lại tận 5 lần mới gặp. Hay như phong trào quyên góp ve chai, phế liệu để tạo quỹ hỗ trợ các hội viên khó khăn, vì nay những nhà có điều kiện họ thường cho, hoặc nhiều người khó khăn lại đi bán. Nên đều phải làm công tác tư tưởng với người dân và hội viên, khi họ hiểu được ý nghĩa của việc làm thì họ ủng hộ…

“Khó khăn, vất vả là vậy nhưng khi thấy mỗi mảnh đời bất hạnh, hay hội viên khó khăn được giúp đỡ thoát được đói nghèo là tôi như có thêm động lực để gắn bó hơn với công tác xã hội mà mình đang làm…", chị Cúc tâm sự.

anh-2-hpn-1682661681.jpg
Phong trào thu gom phế liệu tạo quỹ nghĩa tình hỗ trợ các hội viên

Rồi chị kể: Nhớ lại thời gian đầu, sau 2 năm tham gia công tác hội, đó là lúc chị kêu gọi thành công xây dựng ngôi nhà đoàn kết ở thôn Trung Thành cho gia đình chị Vũ Thị Thủy (SN 1954). Gia đình chị Thủy đặc biệt khó khăn, có chồng bị bại liệt, bố già yếu, cả gia đình 5 miệng ăn đè nặng trên đôi vai gầy gò của chị Thủy. Thương cho những khó khăn, vất vả của người phụ nữ nhỏ bé này, nên khi có kế hoạch triển khai hỗ trợ các gia đình hội viên khó khăn là chị Cúc nghĩ ngay đến trường hợp gia đình chị Thủy.

Rồi nguyện vọng của chị cũng được HPN huyện (lúc bấy giờ là huyện Tĩnh Gia- PV) đồng ý giúp đỡ, căn nhà cấp 4 mái bro được lập lên trong năm 2002 với kinh phí xây dựng 12 triệu đồng. Niềm vui vỡ òa trong tiếng khóc, chị Thủy ôm lấy chị Cúc mà nghẹn ngào nói: “Điều mơ ước không tưởng của gia đình đã thành hiện thực, vì cả nhà còn lo không đủ ăn mong gì có được căn nhà kiên cố để ở. Không biết nói gì hơn ngoài lời cám ơn cán bộ!”. Đến nay, dù cậu con trai lớn đã xây dựng căn nhà mới khang trang sạch đẹp hơn, nhưng chị Thủy vẫn ở lại căn nhà cũ một mình với biết bao kỷ niệm cùng gia đình.

Khó khăn nữa là đối với cán bộ cơ sở, phụ trách địa bàn vất vả, là "trụ cột gia đình", ngoài công tác xã hội, chị phải tần tảo đi làm kiếm tiền vun vén cho đời sống gia đình. Với sự năng nổ, nhiệt tâm, chị được nhiều Hội viên tin yêu, quý mến. 

Mấy năm gần đây, HPN xã Thanh Sơn vẫn duy trì việc mỗi năm hỗ trợ 2 con bê (trị giá 30 triệu đồng) cho 2 gia đình hội viên khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, Hội đã trao được 12 con bê cho 12 gia đình khó khăn. Ngoài ra, mỗi năm Hội còn hỗ trợ cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn là 300 nghìn đồng/cháu, mỗi gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn là 300 nghìn/hội viên. Năm 2020, Hội hỗ trợ 4 trẻ mồ côi mỗi trẻ một chiếc xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng. 

Chu toàn công việc gia đình

Tất bật với công tác xã hội là vậy, nhưng bản thân chị vẫn luôn cố gắng chu toàn việc gia đình. Mỗi ngày, để kịp giờ lên UBND xã làm việc, chị bắt đầu ngày mới từ lúc 4h30. Chị lọ mọ lo thức ăn cho đàn bò; lợn và gia cầm trong nhà rồi quay vào lo đồ ăn sáng cho cả nhà, sau đó mới sửa soạn và lên Ủy ban làm việc. Xong công việc buổi sáng ở Ủy ban chị lại về đi chợ nấu ăn cho chồng con. Chiều tan làm, chị lại về nấu rượu, cho bò ăn, sau đó chăm lo cho chồng con. Có những hôm chị tất bật làm lụng tới khuya mới ngơi nghỉ. 

anh-3-hpn-1682661358.jpg
Tặng bò cho gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Cuộc sống hiện đại, nhưng chị Cúc luôn tất bật bận bịu, ít có thời gian thảnh thơi, như thấy được nỗi vất vả của chị mà chồng con luôn động viên và hỗ trợ chị. Trong mỗi đợt có kế hoạch quyên góp hay đi xin ủng hộ mà chị thường phải đi vào buổi tối, thì chồng con lại giúp chị “gánh vác” việc nhà để chị chú tâm cho công việc.

“Có những ngày mệt mỏi, nhưng rồi tất cả vì nhiệm vụ và tâm huyết với những gì đã đạt được, đã trải qua nên bản thân lại gắng gượng và niềm vui khi giúp được cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn và vỡ òa khi có ai đó trong Hội vươn lên. Gia đình đầm ấm, hòa thuận với nhau, hiện nay cậu con trai đầu hiện đang học sỹ quan trường Chính trị, còn cô con gái thứ 2 đang học lớp 11 trường Thị xã…!”, chị Cúc bộc bạch. 

Rồi mọi nỗ lực, cố gắng của chị cũng được đền đáp khi năm 2015, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương, năm 2016, chị Cúc nhận Bằng khen của Tỉnh Hội khen thưởng Cán bộ cơ sở giỏi. Ngoai ra, chị được Huyện hội khen thưởng, và gần đây nhất là Bằng khen của UBND Thị xã Nghi Sơn.

Lê Gia